70% số xe máy đang chạy trên đường phố Hà Nội không đạt tiêu chuẩn cho phép về khí thải. Số xe này đang từng ngày đầu độc bầu không khí của Hà Nội.
Trước 15, nay 40 phút
Bà Nguyễn Thu Hà, quận Hai Bà Trưng, nói chỉ cần ra khỏi nhà vào khoảng 7g30 hoặc 17g là thấy rõ mức độ ô nhiễm kinh khủng do xe máy gây ra. “Vài năm trước đây, tôi đi làm hoặc về nhà (phố Trương Định tới phố Hai Bà Trưng) chỉ mất khoảng 15 phút nhưng hiện nay phải mất ít nhất 40 phút với hơn 10 nút giao thông đông nghẹt người. Chưa tính tới khi tắc đường hay dưới trời nắng nóng 400C, mùi xăng xe khét lẹt ngay khi mát trời khiến người ta không thở nổi, chỉ muốn ói dù đã bịt khẩu trang kín mít…”.
Ông Nguyễn Văn Đức, huyện Từ Liêm, than thở: “Mỗi lần đợi đèn đỏ ở các nút giao thông Ngã Tư Sở, Láng Hạ – Thái Hà, hoặc Cát Linh – Giảng Võ, hàng người kéo dài tới 30m. Thậm chí, đúng giờ tan tầm xe máy, ôtô có khi kéo dài hàng trăm mét. Không chỉ đứng dưới đường, xe máy tràn lên bịt kín cả vỉa hè khiến không khí đặc quánh mùi khói xe, khiến người ta tức ngực, cay mắt. Từ xa nhìn lại có thể thấy tại khu vực “xếp hàng” chờ đèn đỏ, bụi và khói bốc lên ùn ùn rất đáng sợ. Khi tắc đường còn ghê gớm hơn, tôi từng chứng kiến có người ngất xỉu ngay trên đường vì không chịu nổi sự ngột ngạt chết người do khói xe đem lại”.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí trung bình ở các quận huyện vừa được Sở TN-MT&NĐ Hà Nội công bố cho biết huyện Sóc Sơn là khu vực có không khí trong lành nhất thủ đô. Kế tiếp là các quận huyện Đông Anh, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Từ Liêm… Xếp cuối bảng là hai huyện Thanh Trì và Gia Lâm. |
70% xe máy “ăn” xăng không hết
Theo các cơ quan chức năng, tổng số xe máy đăng ký của TP Hà Nội đã vượt trên 1,7 triệu chiếc. Đó là chưa tính tới khoảng 400.000 xe máy vãng lai từ các vùng lân cận ngày đêm hoạt động trên địa bàn. Khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất (TN-MT&NĐ) Hà Nội cho biết có tới 70% số xe này không đạt tiêu chuẩn cho phép về khí thải.
Ông Trần Tiến Sỹ, phó giám đốc Bệnh viện xe máy Việt – Nhật, cho biết trong tổng số xe máy tới bảo dưỡng, chỉ có 30% là đạt yêu cầu về khí thải động cơ. Còn lại 70% xe máy “ăn” xăng không hết. Số xe này chủ yếu là xe cũ, đã chạy từ 15.000km trở lên và chủ xe không bảo dưỡng định kỳ.
Sở TN-MT&NĐ Hà Nội còn cho biết hiện nay xe máy chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành. Đây là đối tượng chính gây gia tăng ô nhiễm không khí cho thành phố thời gian gần đây. Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường thấy là CO, NOx, SOx, HC… Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định chất gây ô nhiễm từ khí thải xe cơ giới xâm nhập vào phổi và thậm chí vào máu con người có thể gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo những tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới có thể dẫn tới các bệnh như vô sinh, tim, thận và ung thư phổi…
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trên thế giới chưa có loại vật liệu nào để chế tạo khẩu trang giúp ngăn chặn các chất khí độc và chất thải dạng hạt kích thước nhỏ (có trong khí thải động cơ) xâm nhập vào cơ thể con người.
Càng tắc đường càng ô nhiễm
Hiện trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe máy ở Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy ở các vị trí thường có ách tắc giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng… Khi xảy ra tắc nghẽn, luồng xe thường chỉ đạt vận tốc dưới 5km/giờ, thậm chí bằng 0 trong nhiều giờ liên tục. Trong tình trạng này, xe máy và ôtô con sẽ thải một lượng khí CO nhiều gấp năm lần, xe buýt, xe tải nhiều gấp 3,6 lần so với khi chạy ở tốc độ 30km/giờ.
Theo đánh giá của Sở TN-MT&NĐ Hà Nội, tình trạng ô nhiễm chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân, đặc biệt khi tiếp xúc thường xuyên hoặc cư trú ở khu vực ô nhiễm. Một số nghiên cứu về bệnh tật, nhất là các loại bệnh về hô hấp trong vài năm gần đây cũng đã xác nhận điều này.
Ông Đặng Dương Bình, trưởng Phòng quản lý môi trường và khí tượng thủy văn (Sở TN-MT&NĐ Hà Nội), cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, thành phố cần đưa ra những giải pháp khoa học và quyết liệt. Do không thể hạn chế gia tăng xe máy bằng giải pháp cấm đăng ký như trước đây, Hà Nội chỉ có thể chấp nhận giải pháp cấp bách là tổ chức lại hệ thống giao thông theo hướng thân thiện với môi trường.
Cùng lúc phải ưu tiên, cải tạo, mở rộng và xây dựng các đường giao thông đô thị nhằm giải áp lực của các phương tiện giao thông. Ngoài ra, cần khẩn trương hoàn thành các tuyến đường vành đai nhằm giảm lưu lượng xe vận chuyển liên tỉnh và quốc gia đi ngang khu vực nội thành.