Có thời điểm, trong một ngày, Quảng Bình cung cấp cho thị trường 10 tấn tôm hùm thương phẩm; mỗi năm có thể xuất bán 200-250 tấn. Nhưng nay, do việc khai thác bừa bãi, không khoa học nên sản lượng khai thác chỉ đạt chưa đầy 1 tấn /năm.
Tôm hùm “kêu cứu”
Chiều xuống, khi các nhà hàng hải sản ở ven bờ biển Nhật Lệ trở nên nhộn nhịp, sẽ không khó khăn để chứng kiến cảnh những con tôm hùm chưa đến độ tuổi khai thác bị “quẳng thẳng cánh” vào nồi làm món hấp, luộc cho du khách thập phương đến thưởng thức. Hầu hết những con tôm hùm này chỉ nặng chưa đầy 100g, trông giống như tôm càng xanh, tôm sú được bày bán ngoài chợ… Nếu không được bà chủ cửa hàng giới thiệu đó là tôm hùm sỏi chính hiệu thì chúng tôi cũng vẫn lầm tưởng chúng là những con tôm bình thường. Chủ quán P. cho biết: “Giá của tôm hùm con chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng /kg, rất phù hợp với túi tiền nên chúng đang trở thành món ăn ưa thích của nhiều thực khách. Mỗi ngày nhà hàng bán được 5 – 7kg…”.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trữ lượng tôm hùm của Quảng Bình bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Theo ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình: “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trữ lượng đánh bắt tôm hùm của Quảng Bình rất cao, nay gần như cạn kiệt. Ngày cao điểm nhất hiện nay cũng chỉ khai thác được khoảng 200kg, trong đó chủ yếu lại là loại tôm nhỏ, chưa được phép khai thác. Với khoảng 180.000 người sống chủ yếu dựa vào các nguồn lợi thuỷ sản, việc khai thác tôm hùm diễn ra rất bừa bãi, phức tạp, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Du, mặc dù tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn, phổ biến văn bản, chỉ thị cho các tàu thuyền đánh bắt cá, đặc biệt là các chủ nhà hàng, nhưng vì nguồn lợi trước mắt, nguồn tôm tự nhiên vẫn bị tận diệt. Cách bảo vệ hiệu quả nhất là đầu tư, bổ sung tôm hùm giống theo hướng nuôi trồng. Song đây là việc làm khó vì kỹ thuật nuôi tôm không đơn giản, lại mất rất nhiều thời gian, ít nhất phải 1-2 năm mới có thể khai thác. Đặc biệt, tôm hùm giống phải có thời gian nuôi trung bình từ 9 năm trở lên mới bắt đầu sinh sản… Do vậy, phát triển tôm hùm theo hướng nuôi trồng vẫn chưa áp dụng được.
Ngành thuỷ sản Quảng Bình cũng mong muốn có dự án quy hoạch cụ thể, khoa học cho từng vùng khai thác tôm. Song phương án này cũng “bị vấp” vì “muốn khoanh vùng trước hết cần phải có lực lượng điều tra chuyên ngành, điều này lại nằm ngoài khả năng của tỉnh”, ông Du cho biết. Trước mắt, tỉnh đang xây dựng đề án bảo tồn nguồn lợi tôm hùm. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải tới năm 2010 đề án mới có thể thực thi.
“Luật” – “pháp” chưa đủ mạnh“?
Theo quy định của Luật Thuỷ sản và Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tôm hùm chỉ được phép khai thác khi cân nặng trung bình từ 150g trở lên; từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời điểm tôm hùm đang kỳ sinh sản, không được phép khai thác dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu đơn vị, tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị tịch thu toàn bộ phương tiện đánh bắt, số tôm thu được sẽ thả về biển và phạt hành chính từ 500.000 đến 5 triệu đồng /vụ, tuỳ vào lượng tôm khai thác nhiều hay ít.
Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng những tay “thuỷ tặc” vẫn bất chấp pháp luật để kiếm lời. “Có cầu ắt có cung” nên hàng ngàn con tôm hùm nhỏ bị sa lưới. Các cơ quan chức năng ở Quảng Bình cũng đành bất lực! “Chỉ với 2 tàu kiểm ngư hiện có, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi kiểm tra, rà soát các thuyền đánh bắt ngoài biển. Địa bàn rộng, không có lực lượng kiểm ngư đến tuần tra thường xuyên, ngư dân cứ thế đánh bắt và thu lợi trước mắt. Đặc biệt, càng ngày họ càng tinh vi trong việc đối phó. Khi thấy tàu kiểm ngư đến, họ lập tức đổ ngay tôm xuống biển để phi tang. Nhiều tàu còn để tôm trong bọc lưới lớn, thả xuống biển, rồi đánh dấu toạ độ, khi kiểm ngư đã đi, họ quay lại vớt tôm lên… Thậm chí lực lượng kiểm ngư còn nhiều lần bị thuỷ tặc đánh trả gây thương tích…”. – ông Ngô Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Bình than thở.
Theo báo cáo của Sở Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình, hiện có 3 khu vực tôm hùm cư trú với mật độ cao (Vũng Chùa, Đá Nhảy và Bảo Ninh), trong đó, khu vực có diện tích lớn nhất là 200ha nằm ở Vũng Chùa (huyện Bố Trạch). Mặc dù diện tích cư trú của tôm hùm khá lớn, nhưng lực lượng kiểm ngư toàn tỉnh chỉ có 12 người với 2 tàu chuyên dụng. Họ không chỉ làm nhiệm vụ kiểm ngư mà còn phải đảm nhiệm việc theo dõi mọi hoạt động diễn ra trên khoảng 20.000km2. Do vậy, lực lượng kiểm ngư đành “bó tay” trước các thủ đoạn của những ngư dân đánh bắt trái phép.
Trước thực trạng trên, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc thì chỉ một thời gian ngắn nữa nguồn tôm hùm tự nhiên ở Quảng Bình sẽ trở nên khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt.