Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang vừa thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống cháy rừng. Trên cơ sở sử dụng máy định vị GPS kết hợp với chương trình Mapinfo để đưa thông tin địa lý thu thập được từ thực địa, bản đồ dữ liệu chỉ huy chữa cháy rừng sẽ được xây dựng thành bản đồ số hóa.
Bản đồ này được cập nhật đầy đủ các thông tin về các vùng trọng điểm cháy rừng, diện tích cháy, số lượng dụng cụ, lực lượng tại chỗ nơi xảy ra cháy, định vị các đường mòn trong rừng, hoặc đường nối từ rừng với đường trục chính mà bản đồ giấy không thể hiện được, tạo điều kiện thuận lợi để ngành kiểm lâm tiếp cận và chỉ huy chữa cháy. An Giang hiện có hơn 18.000ha rừng, nguy cơ cháy rất cao trong mùa khô.
Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, mực nước trên mặt đất rừng tràm U Minh Hạ đã thấp hơn 20cm so cùng kỳ các năm trước. Hơn 10.000ha rừng (chiếm 18% tổng diện tích) ở đây đang bị kiệt nước. Ở một số khu vực rừng thuộc Lâm Ngư trường Trần Văn Thời, U Minh III, Vườn quốc gia U Minh Hạ, mực nước dưới kinh mương thấp hơn mặt đất rừng 20-25cm, nguy cơ cháy rất cao. Tại Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện có hơn 4.000ha rừng tràm đang bị khô kiệt, dự báo cháy cấp 3. Trước tình hình này, BGĐ VQG đã triển khai nhiều phương án phòng chống cháy rừng: bồi đắp, gia cố các đập, đê bao giữ nước; xây dựng đường băng cản lửa; sửa chữa, đại tu hàng chục máy bơm nước công suất lớn, bố trí 36 trạm chốt trực chiến với lực lượng hơn 100 người; kết hợp với UBND các huyện, xã trên địa bàn xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ; tiến hành khảo sát và ban gạt các tuyến đường đất đen và bắc tạm cầu gỗ để đảm bảo cho xe chữa cháy lưu thông dễ dàng.