ThienNhien.Net – Rác điện tử với những khối lượng lớn đồ điện tử được bỏ đi từ các nước phát triển đã và đang trở thành vấn nạn trong tương lai gần đối với các nước đang phát triển. Đó là tâm điểm của một hội nghị quốc tế diễn ra trong tháng 11/2006, nhằm giúp các nước đang phát triển ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép các rác điện tử, chất thải hóa học độc hại và các sản phẩm phụ.
Trong hội nghị nói trên, xung quanh vấn đề rác điện tử – Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ các nước đang phát triển khỏi những mối nguy hại tiềm tàng từ các chủng loại đồ điện tử bỏ đi của các nước phát triển.
Theo đó, các nước nghèo đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng từ những thiết bị điện tử cũ hay các hàng hoá khác mà không phải lúc nào cũng được viện trợ, cho tặng với những ý định tốt đẹp, từ chiếc điện thoại di động nhỏ, chiếc máy tính tới cả những tàu chở hàng cỡ lớn.
Lãnh đạo cấp cao của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ông Achim Steiner cho biết : “Một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta là cần thống nhất rác thải là gì và thế nào là hàng đã qua sử dụng”. Ông cho biết thêm : “Câu hỏi này được đặt ra cho các loại tàu thuyền hết hạn sử dụng cũng như các thiết bị điện tử bởi phương tiện hàng hải ngày càng được lắp đặt thiết bị điện tử hiện đại”.
Các chuyên gia nhận định, rác điện tử đang nhanh chóng trở thành một phần rác thải đô thị tại các nước phát triển. Rất nhiều trong số rác thải điện tử được chuyển tới châu Phi với cái tên là “hàng hóa tân trang” và nhanh chóng trở thành thứ đồng nát và thải ra các chất độc hại như chì, cadimi, thủy ngân hay các hợp chất độc hại chết người khác.
Mỗi năm có khoảng 20-50 triệu tấn rác điện tử chuyển tới các nước đang phát triển. Ước tính có trên 75% số thiết bị được chuyển tới châu Phi là không thể sử dụng được và hết sức nguy hiểm: “Chúng ta đang sống trong thế giới mà lối suy nghĩ mới mẻ là hết sức cần thiết”. Ông Steiner cho rằng loại bỏ một cách an toàn rác điện tử là một “thách thức thực sự” với hành tinh chúng ta. Điều này sẽ càng khó giải quyết hơn khi công nghệ ngày càng phát triển.
Đó cũng là ý kiến chung của các đại biểu từ 120 quốc gia đã kí hiệp định Basel (có hiệu lực từ năm 1992) về vận chuyển và thải các chất thải nguy hiểm.
Hội nghị cũng phát triển lịch trình, theo đó các sản phẩm điện tử hết thời có thể bị trả lại, được tái chế hay đính kèm các chứng nhận chứng tỏ chúng thực sự đã được tân trang và có khả năng hoạt động.
Một số đại biểu cũng kêu gọi các nước như Mĩ vốn không tham gia vào hiệp định Basel phối hợp cùng với liên minh châu Âu, liên minh này đã cấm xuất khẩu rác điện tử nguy hại trong nhiều năm.
Liên minh châu Âu cũng chỉ ra việc sử dụng các thành phần độc hại trong máy tính và yêu cầu các nhà sản xuất bán các thiết bị điện tử ở liên minh châu Âu thu hồi các thiết bị hỏng để đảm bảo độ an toàn trong quá trình tái chế.