Chưa bao giờ nông dân trồng tràm ở ĐBSCL lại lâm vào tình cảnh khốn khó như hiện nay. Giá tràm từ 60-80 triệu đồng/ha, có lúc trên 100 triệu đồng/ha nay tuột dốc còn 25 – 30 triệu đồng/ha mà không ai thèm ngó! ThienNhien.Net xin giới thiệu bài viết của tác giả Huỳnh Phước Lợi, đã đăng trên trang nhật báo SGGP 12 giờ viết về tình cảnh của người trồng tràm hiện nay.
Dân trồng tràm từ Long An sang Đồng Tháp, Tiền Giang… nợ ngập đầu, không tiền trả. Hiện tại, nhiều hộ phá rừng tràm, kêu bán đất…
Càng trồng tràm – càng lỗ nặng!
Rừng tràm Đồng Tháp Mười tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Nếu như những năm 2000 trở về trước người dân Long An giàu lên từ cây tràm thì hiện nay mọi chuyện lại trái ngược.
Những ngày này đi từ Thạnh Hóa sang Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng… chúng tôi chứng kiến nhiều hộ đứng ngồi không yên khi cây tràm rớt giá thê thảm. Ông Mười Dẫu, ở Thạnh Hóa (Long An), nhiều năm gắn bó với cây tràm thở dài ngao ngán: “Không thể hình dung cây tràm bị mất giá và đi vào ngõ cụt như hiện nay. 4ha tràm của tui đã trên 5 năm tuổi mà bán hổng ai mua; có người vào xem trả 35 triệu đồng, lỗ là cái chắc”.
Dọc thị trấn Thạnh Hóa sang Tân Đông, Tân Tây… đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến bà con “mặt ủ – mày ê” vì tràm rớt giá – không bán được. Anh Hai Thanh, ở xã Tân Đông (Thạnh Hóa – Long An) kéo chúng tôi ra vườn tràm xơ xác, anh nói: “Cây tràm đã qua thời kỳ vàng son, bây giờ trở thành thứ yếu. Tràm tốt hay xấu gì, muốn bán được phải năn nỉ thương lái “khô cả họng” chắc gì họ chịu mua. 8ha tràm đã phá 7ha, còn 1ha vẫn lỗ…”.
Đi sâu vào huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh… tình hình cũng tương tự, hộ cần bán tràm thì nhiều nhưng thương lái mua rất ít. Anh Bùi Thế Hiếu, xã Kiến Bình (Tân Thạnh, Long An) chua chát: “Từ ngày trồng đến ngày thu hoạch phải mất 6 – 7 năm chăm sóc. 20 công tràm rất tốt nhưng thương lái chỉ mua 45 triệu đồng – chưa đủ tiền đầu tư. Bán xong tràm, bán luôn đất để trồng lúa, vì càng đeo – càng lỗ!”.
Nếu như Long An người dân điêu đứng, thì ở Tháp Mười (Đồng Tháp) nông dân trồng tràm cũng lận đận, không có lối ra. Anh Huỳnh Tấn Thọ, xã Mỹ Hòa lắc đầu: “Cách đây 5 năm, cây tràm đã giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu, còn bây giờ thì ngược lại, ai trồng ít lỗ ít – trồng nhiều lỗ nhiều, nhà nào cũng mang nợ”.
Theo người dân Đồng Tháp Mười cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, tràm cừ bắt đầu rớt giá. Bình quân, 1ha tràm giá 100 triệu đồng/ha (tràm tốt), nay chỉ còn 25 – 30 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nhà thầu xây dựng bỏ cừ tràm chuyển sang sử dụng cừ sạn, bê tông, cọc nhựa… Sức mua giảm mạnh nhưng “cung vượt cầu” khiến tràm rớt giá.
Mặt khác, do nôn nóng thu hoạch, người dân bón phân nhiều để tràm lớn nhanh; rút ngắn chu kỳ thu hoạch từ 12 năm xuống 5 – 6 năm, khiến chất lượng cừ tràm kém, bị nhà thầu chê.
Cây tràm: còn hay mất?
Tràm rớt giá và không bán được, dân trồng tràm đành phá bỏ hoặc bán đất trả nợ. Năm qua, người dân Long An đốn bỏ khoảng 2.000ha tràm; Đồng Tháp, Tiền Giang… diện tích tràm cũng giảm mạnh. Ở Tân Thạnh, anh Võ Hồng Sơn vừa đốn 1ha tràm để trồng lúa; anh Trần Văn Hoàng, xã Tân Tây đốn bỏ 1ha tràm vì hết vốn đầu tư. Chị Út Tài cũng phá 2ha tràm vì không khả năng theo đuổi. Hiện tại, người dân ĐBSCL tiếp tục phá tràm chuyển sang trồng lúa.
Trước tình hình dân phá tràm ngày càng nhiều, tỉnh Long An đã triển khai nhiều biện pháp cố giữ lại cây tràm. Trước mắt, ngoài việc vận động bà con không nên đốn tràm ào ạt, tỉnh khảo sát và điều chỉnh kế hoạch trồng tràm từ 70.000 ha- 75.000 ha xuống 60.000ha.
Song song đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực chế biến từ cây tràm. Tại Đồng Tháp, ông Võ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười lo lắng: “Đầu ra cây tràm đang bế tắc, nên diện tích giảm từ 6.000ha nay chỉ còn 5.000ha. Huyện đang bối rối nhưng chưa có cách giải quyết”.
Theo Sở NN- PTNT các tỉnh: “Để giữ cây tràm và người dân gắn bó, nhất thiết phải có giải pháp đồng bộ. Nếu trồng tràm để bán cừ thì lợi nhuận không cao. Do đó, cần nghiên cứu chế tạo nhiều sản phẩm như: nguyên liệu giấy, dầu tràm, than hoạt tính. Mới đây,số công ty từ Nhật Bản và Trung Quốc đến Tháp Mười tìm hiểu mua tràm lột vỏ và làm nhà máy bột dăm… nhưng chưa xong vì nhiều lý do khác nhau (!?).
Trao đổi với PV Báo SGGP 12giờ, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: “Lối ra mới nhất hiện nay là Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng nhà máy bột giấy tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa. Nhà máy đang xây dựng với công suất khoảng 100.000 tấn bột giấy/năm; kinh phí 1.500 tỷ đồng, hy vọng tháo gỡ đầu ra cho cây tràm”.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy bột giấy đang thiếu nguyên liệu, thị trường gỗ cũng khan hiếm… Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng bộ môn Môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ cho rằng: “ Cây tràm đóng vai trò quan trọng với môi trường sinh thái.
Tràm giúp điều hòa khí hậu, ngăn oxy hóa đất phèn; đồng thời chống bão, lũ lụt, xói lở vùng đầu nguồn… Ngoài ra, rừng tràm còn là nơi trú ngụ của những loài chim và những động vật khác. Do đó, giữ rừng tràm là cực kỳ quan trọng, không thể xem nhẹ”. Thế nhưng, giữ cây tràm bằng cách nào vẫn là bài toán chưa có lời giải?.