Pơ mu là loài gỗ quý được Nhà nước ta bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, những đường dây khai thác và buôn bán pơ mu trái phép vẫn hoạt động. ThienNhien.Net xin được trân trọng giới thiệu phóng sự của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên trang VTC News về tình trạng tàn sát pơ mu tại các rừng pơ mu cổ thụ hiện nay.
Với sự giúp đỡ đặc biệt của lực lượng chức năng có vũ trang, chúng tôi đã tận mục cảnh giết rừng cổ thụ, cũng như cả một hành trình từ những đỉnh mù sương ra phố của báu vật rừng già.
Từ rừng già ra phố…
Pơ mu là loài gỗ quý được Nhà nước ta bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối cấm khai thác từ khá lâu. Thậm chí cả các “chỉ tiêu” tận thu cành ngọn pơ mu gẫy mục trong rừng gần đây cũng bị cấm tiệt để hòng tránh tình trạng lợi dụng chính sách tận thu để… phá rừng.
Pơ mu được mệnh danh là báu vật của rừng già bởi nhiều lý do. Với con buôn và cánh trọc phú thích sử dụng sản phẩm “pơ mu phi pháp” thì báu vật này có giá đắt đỏ.
Với những người làm bảo tồn, người có kiến thức văn hoá thì pơ mu có vai trò đặc biệt trong việc giữ rừng đầu nguồn. Bởi, pơ mu chỉ sống trong những cánh rừng nguyên sinh, ở độ cao từ 1600m trở lên, rừng ủ trong sương mù.
Nó là bằng chứng về độ giàu có của Mẹ rừng. Nó là tấm áo giáp bảo vệ con người trước các thảm hoạ thiên nhiên.
Dù Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng pơ mu cổ thụ tuyệt đối. Nhưng, những đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán pơ mu vẫn hoạt động. Người ta vẫn sử dụng sản phẩm pơ mu một cách công khai (đây là một nghịch lý lớn).
Việc leo lên những đỉnh núi vòi vọi của dãy Hoàng Liên Sơn (nhất là khu vực trải dọc hai tỉnh Yên Bái, Sơn La), cái vựa pơ mu lớn nhất Việt Nam, chứng kiến cảnh tàn sát những di sản pơ mu cổ thụ có vòng gốc 3-4 người ôm, đường kính gốc lên tới 1-2m là điều cực kỳ nguy hiểm (hình như chưa nhà báo nào có được những bức ảnh, những thước phim đó).
Hành trình xem… “chọc tiết rừng”
Lâm tặc là người từ Văn Chấn (Yên Bái) lên rừng làm lán như thổ phỉ để cưa gỗ, trông mặt họ cũng hiền lành lắm khi biết tôi đi cùng với các chiến sỹ kiểm lâm có trang bị súng ngắn.
Phải đi tuần rừng suốt 3 ngày trời, qua những nương thuốc phiện mọc trong rừng cháy khốc hại. Đường đi, cũng có nhiều gốc pơ mu bị đẽo, bị đốt rất tang thương.
Những cây pơmu có đường kính gốc xấp xỉ 1,5m đứng như so đũa ở rừng sâu giáp ranh hai tỉnh Yên Bái-Sơn La. Khi bị chặt hạ, đường kính của “cụ” pơ mu dài bằng… từ chân đến cổ nhà báo. Chỉ một khúc thân (trong tổng số khoảng 50m cao vòi vọi của “cụ”) đã đủ để lâm tặc xẻ được bãi gỗ mênh mông.
Được xẻ ra rồi vác suốt 3 ngày trên lưng “cửu” mới ra đến cửa rừng. Cửu đói khổ, 3 ngày buộc gỗ vào dây thừng kéo lê lết trong rừng chỉ được trả công 50.000 đồng.
Giữa ban ngày, người ta đi vác gỗ như đi trẩy hội, chứ không phải lén lút gì đâu.
Vác về đến điểm tập kết, những sơn nữ phá rừng này nhận tiền của chủ (người đàn bà ngồi đang móc tiền ra trả) rồi thản nhiên đi về, sáng mai lại tiếp tục vào rừng với pơ mu.
Ngoài việc ốp, lát, dựng căn nhà bằng pơ mu như một thú chơi tàn nhẫn; pơ mu còn được đóng làm ông thần Tài, nàng tiên cá khổng lồ với giá nhiều triệu đồng.
Kiểm lâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đi bắt hai khúc pơ mu tươi về làm tang vật vụ án giết rừng, nhưng cạnh đó, nhà một cán bộ địa phương trưng bày đôi lục bình cũng mới chế tác từ hai khúc pơ mu tương tự mà không ai thấy áy náy. Tức là chúng ta đang thiếu cái văn hoá giữ rừng!
Tại khu vực Hoà Lạc, Hà Tây, một đại gia trưng bày bộ bàn uống nhậu kỷ lục: nó làm bằng một gốc pơ mu nguyên bản, khổng lồ.
Tại khu vực Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, có cả cái nghề chế tác bàn, phản, sập bằng gốc pơ mu hàng trăm năm tuổi.
Ghi ở vương quốc pơ mu
Hằng ngày kiểm lâm huyện Trạm Tấu, Yên Bái vẫn đi bắt gỗ pơ mu “lậu” với những bãi tang vật mênh mông và liên tục những bản án dành cho kẻ giết rừng pơ mu vẫn được tuyên.
Nhưng, mặc người dưới xuôi “xưng” là báu vật của rừng, tại nhiều bản làng chon von đỉnh núi, pơ mu là thứ vật dụng cực kỳ phổ biến. Phổ biến đến giật mình ( ảnh sau đây chụp ở bản Làng Sáng, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La).
Gỗ quý làm cọc rào. Làm máng cho lợn ăn. Và, 100% mái nhà của người Mông nơi này lợp bằng những thanh pơ mu dầu (nhựa)
Chuồng gà, chuồng trâu, cối giã gạo dùng sức nước đều làm bằng gỗ pơ mu. Dụng cụ thổi gió và cả cái lò rèn chế tạo dao và súng kíp của bà con cũng cơ bản làm bằng pơ mu.
Điều khó tin là đến cả thùng gánh nước, chứa nước cũng được ghép bằng pơ mu (vì giống gỗ này không mối mọt, không thấm nước).
Riêng điều này thì hơi lãng mạn: đêm đen, không đài điện, không biết lấy một câu tiếng Kinh, nhưng cô gái Sồng Thị Phùa (tiếng Mông tức là Hoa) xếp bát, đũa, chén, mâm rất trịnh trọng cho anh chồng Hạng A Tồng uống rượu với khách. Tay Phùa cầm một cái đóm pơ mu (pơ mu thuộc họ thông nên nó rất nhiều dầu, bà con thường dùng để làm đóm, nhóm lửa)
Thế nên, bếp lửa trong nhà cũng đun 100% củi pơ mu.
Và, cái máng cho ngựa ăn ở “vương quốc pơ mu” cũng đủ để 2 đứa trẻ nằm trong đó chơi đùa thoải mái.
Hành trình pơ mu từ rừng già ra phố là một hành trình đau đớn. Thói quen “cái gì cũng bằng pơ mu” ở nhiều bản làng chon von là một thói quen có vẻ lành lẽ. Tuy nhiên, cả hai điều này đều đồng nghĩa với việc tàn sát những báu vật của rừng, với việc chúng ta vô trách nhiệm trong việc bảo vệ tấm áo giáp đang che chở cuộc sống của chúng ta, của con cháu chúng ta.
Xin được thêm một lần gióng lên cái hồi chuông đã cũ này.
* Pơ mu (Fokienia hodginsii) được pháp luật bảo vệ trong Nghị Định 32/2006 NĐ-CP, nhóm IIA, hạn chế khai thác, sử dụng.