Thiennhien.net – Mặc dù các quốc gia đã nhận nguồn tài trợ 1,9 tỉ USD để chi cho phòng ngừa và ngăn chặn cúm gia cầm vào tháng 01/2006 nhưng đến nay, sau đúng 1 năm thực hiện, bệnh dịch này vẫn không ngừng tiếp diễn. Đến nay, đã có ít nhất 55 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm gia cầm.
Theo số liệu từ tổ chức Lương – Nông Liên hợp quốc (FAO), số lượng gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy đã lên tới hơn 220 triệu con, chủ yếu thuộc các hộ nông dân nghèo tại các nước đang phát triển. Ước tính thiệt hại mà ngành chăn nuôi các các nước Đông Nam Á gánh chịu lên đến 10 tỉ USD, còn đối với châu Phi là 60 triệu USD.
Tính đến cuối năm 2006, thế giới có 157 người bị chết vì cúm gia cầm, trong đó In-đô-nê-xi-a chiếm nhiều nhất, 54 người. Các nhà khoa học lo ngại dịch cúm sẽ tiếp tục lan rộng và kêu gọi các quốc gia không được phép chủ quan, lơ là bởi thực tế đã cho thấy bệnh dịch vẫn bùng phát ngay tại những nước đã thực hiện nghiêm túc và nỗ lực trong công tác phòng chống dịch.
Một trong khó khăn hiện tại trong công tác kiểm soát dịch cúm gia cầm là do ở các nước nghèo, rất nhiều gia cầm được nuôi rải rác tại các hộ gia đình. Chỉ cần người dân, do thiếu hiểu biết hoặc cố tình không hợp tác, thông báo với chính quyền địa phương khi dịch bùng phát thì đều có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ những nỗ lực đã tiến hành. Tiến sĩ Bernard Demure, Giám đốc Chương trình dịch vụ sức khỏe của Ngân hàng Thế giới phát biểu “Chúng ta không có lựa chọn nào khác mà phải bắt tay vào ngăn chặn và phòng ngừa dịch cúm gia cầm. Điều khó khăn chính là không thể lường hết những gì có thể ập tới. Quan trọng nhất là phải thay đổi hành vi của mỗi người.”