Ngày 23/01/07, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố Việt Nam là thành viên thứ 63 của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) và phát Bằng bảo hộ giống cây trồng lần thứ nhất.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của UPOV theo Công ước 1991 kể từ ngày 24/12/2006. Trong số 10 quốc gia ASEAN hiện chỉ có Singapore và Việt Nam tham gia UPOV.
UPOV khuyến khích phát triển giống cây trồng mới dựa trên những nguyên tắc rõ ràng của quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả giống cây trồng. Để được bảo hộ, giống cây trồng cần thỏa mãn những điều kiện như: khác biệt với giống cây trồng cùng loài được biết đến rộng rãi, hoàn toàn đồng nhất và ổn định.
Việc tham gia UPOV tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện bảo hộ giống cây trồng có hiệu quả bằng sự hợp tác với các quốc gia thành viên có kinh nghiệm về bảo hộ giống cây trồng.
Trong buổi lễ diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao bốn bằng bảo hộ giống cây trồng mới cho các sản phẩm: giốn lúa Việt lai 20 của Công ty cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng, giống lúa lai TH 3-3 của Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội), giống ngô lai DEKALB 414 của Công ty Monsanto, giống ngô lai NK 54 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Đây là bốn sản phẩm được cấp bằng bảo hộ, được chọn trong số 23 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Hiện nay, hệ thống bảo hộ giống cây trồng mới đã có đủ điều kiện thực hiện bảo hộ 15 loài cây trồng.
Tại buổi lễ, ông Đỗ Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu: “Sự kiện này khích lệ các tác giả là các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới nhằm tạo lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, Việt Nam phải nỗ lực nâng cao năng lực cho hệ thống bảo hộ giống cây trồng đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của công tác bảo hộ giống cây trồng Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ban hành quyết định mở rộng số loài cây bảo hộ. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ bảo hộ tất cả các loài cây trồng trong nước. Đồng thời, Văn phòng bảo hộ cũng sẽ được nâng cấp thành Trung tâm bảo hộ giống cây trồng mới, có đủ lực lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu, đẩy mạnh hợp tác với UPOV cũng như với các nước, các tổ chức quốc tế khác.