Việc điều chỉnh nhiệt độ trong tổ ong nghệ được thực hiện bởi sự phân chia lao động nghiêm ngặt. Bên cạnh những con ong chuyên ấp trứng luôn có những con làm nhiệm vụ quạt mát cho ấu trùng khi nhiệt độ trong tổ tăng quá cao.
Ong nghệ sưởi ấm và làm lạnh tổ của chúng để đảm bảo rằng ấu trùng được ủ ở nhiệt độ phù hợp – giữa 28°C và 32°C. Khi nhiệt độ trở nên quá nóng, chúng dùng cánh để quạt mát. Còn khi quá lạnh, ong rung các cơ cánh để chuyển nhiệt xuống bụng – nơi tiếp xúc với lỗ chứa ấu trùng.
“Bạn có thể nhìn thấy chúng rùng mình để chuyển nhiệt”, Sean O’Donnell, chuyên gia về ong tại Đại học Washington (Mỹ), nói.
O’Donnell và cộng sự đã quay phim 3 đàn ong Bombus huntii. Họ tăng nhiệt độ xung quanh tổ lên tới 38,6°C rồi giảm xuống 10,3°C. Khi không khí xung quanh trở nên quá nóng, những con ong ấp trứng quay lưng lùi ra xa để nhường chỗ cho những con khác tới quạt mát cho ấu trùng. Ngược lại, khi nhiệt độ giảm xuống, lũ ong ấp trứng sẽ lại tăng thời gian ủ.
Các nhà nghiên cứu đưa một số ong ấp trứng ra chỗ khác. Họ cho rằng những con ong làm nhiệm vụ quạt mát sẽ thay thế vị trí của những con ấp trứng. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Lũ ong quạt mát không hề bò tới những lỗ chứa ấu trùng. Thay vào đó, trong vòng 24 giờ kể từ khi lũ ong ấp trứng biến mất, những “đồng nghiệp” còn lại của chúng sẽ bò tới những lỗ bỏ trống. Để bù trừ khoảng thời gian bị mất, chúng rung cơ cánh để chuyển nhiệt xuống bụng trong thời gian dài hơn.
“Trước đây, người ta nghĩ rằng một con thợ trong đàn ong nghệ có thể đảm nhận công việc của một con khác. Nhưng nghiên cứu này cho thấy có một sự chuyên môn hóa lao động cao độ giữa các cá thể ong”, O’Donnell phát biểu.