Vài chục năm trước, việc trồng rừng chủ yếu là nhằm mục đích phủ xanh thì hiện nay trồng rừng sản xuất lại đòi hỏi phải có năng suất cao. Vì thế công tác giống có vai trò hết sức quan trọng.
Không có giống được cải thiện và các biện pháp thâm canh thích đáng thì không thể đưa năng suất rừng lên cao. Chính nhờ sử dụng giống lai có năng suất cao và áp dụng các biện pháp thâm canh khác mà hiện nay diện tích đất, đồi trọc ở nước ta đang ngày càng được thu hẹp. Năm 1997 độ che phủ chung của rừng chỉ đạt 29% thì hết năm 2000 độ che phủ đã đạt 33,2%, có nơi như tỉnh Tuyên Quang đã đạt 51%.
Trong hoàn cảnh như vậy, giống Keo lai (giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm đã được đánh giá qua chọn lọc và khảo nghiệm) của Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng ra đời là sự đáp ứng kịp thời mong muốn của sản xuất lâm nghiệp.
Thực tế, sự ra đời của giống Keo lai là sự mở đầu cho một phong trào sử dụng giống có năng suất cao và nhân giống sinh dưỡng trong lâm nghiệp ở nước ta. Tuy được phát hiện muộn hơn các nước khác, song nhờ đi đúng hướng nên có thể nói Việt Nam là nước đầu tiên đã đưa giống Keo lai có năng suất cao và sử dụng trong sản xuất trên quy mô lớn. Trên những lập địa tốt, giống Keo lai của ta có thể đạt năng suất 30 – 40 m3/ha/năm, nơi đất xấu giống Keo lai vẫn có sinh trưởng gấp 1,5 – 3 lần các giống bố mẹ.
Nhân đây cần nói rằng đất trồng rừng của ta là đất trống, đồi núi trọc, nên không thể có năng suất rừng trồng cao như ở một số nước khác. TS.Chris Harwood, chuyên gia hàng đầu của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO), đã đánh giá cao việc gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng Việt Nam và nhấn mạnh “không có một chiến lược có cơ sở khoa học và được thực hiện tốt thì cả dự án có thể mất đà và bị bỏ phí vì sự phát tán của những kiểu gien cây lai thấp kém không mong muốn”.
Cùng với việc khảo nghiệm giống ở các vùng sinh thái, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu tiềm năng bột giấy, tính chất cơ-lý gỗ, lượng nốt sần ở rễ và khả năng cải tạo đất của Keo lai, cũng như các phương pháp nhân giống sinh dưỡng bằng nuôi cấy mô phân sinh và giâm hom.
Ðược sự giúp đỡ của CSIRO các nhà khoa học cũng đã dùng phương pháp phân tử đánh dấu định vị một số gien làm cơ sở cho việc đăng ký bản quyền tác giả. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống sinh dưỡng bằng giâm hom và chuyển giao giống gốc cho nhiều đơn vị trong cả nước, cũng như chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô và giống gốc cho một số đơn vị khác.
Một số cơ sở nhân giống bằng nuôi cấy mô do Trung tâm chuyển giao như Nông lâm trường thực nghiệm Quảng Ninh đã nhân giống Keo lai hằng năm gần một triệu cây. Nhiều cơ sở khác cũng nhân giống bằng nuôi cấy mô thành công cho Keo lai.
Cùng với sự phát triển của giống Keo lai là phong trào nhân giống hom và nuôi cấy mô phân sinh đang phát triển rộng rãi ở các cơ sở nghiên cứu và sản xuất lâm nghiệp trong cả nước.
Giống Keo lai không những được sử dụng trong nước mà còn được một số nước khác quan tâm và xin trao đổi giống, trong đó Malaysia đã nhập để trồng trên diện rộng, Công ty Trồng rừng nguyên liệu giấy Oiji 100% vốn của Nhật Bản cũng đang dùng giống Keo lai làm cây trồng chính ở Bình Ðịnh và Quảng Ngãi.
Gần đây Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã chọn thêm một số giống Keo lai tự nhiên mới, cũng như đã tiến hành lai nhân tạo thành công và đã tạo được hàng chục tổ hợp lai khác loài giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm, từ đó đã khảo nghiệm và chọn được một số cây tốt nhất làm cây đầu dòng tiếp tục khảo nghiệm giống để phát triển vào sản xuất.
Giống Keo lai tuy được công nhận chưa lâu, song đã trở thành một giống cây trồng phổ biến trong lâm nghiệp, không những ở các lâm trường mà cả ở các hợp tác xã và hộ gia đình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã coi Keo lai là một trong những giống cây trồng chính của ngành lâm nghiệp. Theo Cục Phát triển lâm nghiệp thì đến nay đã có 100.000 ha Keo lai được gây trồng trong cả nước, riêng năm 2001 đã trồng 30.000 ha.
Các nhà khoa học cũng tiến hành nghiên cứu lai giống cho Bạch đàn và đã tạo ra gần 100 tổ hợp lai khác loài cho ba loài Bạch đàn chính ở Việt Nam là Bạch đàn urô, Bạch đàn liễu và Bạch đàn caman.
Qua khảo nghiệm đã chọn lọc được 8 tổ hợp lai với 31 cây đầu dòng có năng suất gấp 1,5 – 2 lần giống sản xuất tốt nhất, tương đương một số giống tốt nhất được nhập từ Trung Quốc. Những giống này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật để khảo nghiệm khu vực hóa ở một số vùng sinh thái chính.