Đã vài tháng nay, trên đoạn đường sắt đi qua đèo Hải Vân, hành khách thường bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi kinh hoàng từ hàng trăm súc gỗ lậu được các tay lâm tặc lao từ rừng xuống đường, "cưỡng bức" các đoàn tàu chuyển về phố. ThienNhien.Net xin giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây được đăng trên báo Lao động ngày 19/01/2007 vừa qua.
Trước kia, đoạn đi qua đèo Hải Vân thường khiến hành khách thích thú nhất, bởi không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ của núi cao, vực thẳm, khách đi tàu còn được chứng kiến cảnh trời biển giao hoà, những vịnh cong ầm ào sóng biển bạc đầu bên ghềnh thác, xuyên qua những rừng cây tươi tốt trữ tình…
Thế nhưng, giờ đã là dĩ vãng, thay vào đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng, vì hiện mỗi ngày có hàng trăm súc gỗ lao từ rừng xuống đường, “cưỡng bức” các đoàn tàu chuyển về phố. Gỗ lậu và cả trăm lâm tặc kia đều thượng trên đầu hành khách, trên nóc tàu, ào ạt, công khai gần 4 tháng nay…
Cả làng nhảy tàu
Đoàn tàu SE1 giảm tốc độ, chạy chậm qua ga Kim Liên – dưới chân đèo Hải Vân nam, tôi hoà vào dòng người nhảy tàu, bán rong chuyên nghiệp ở đây để quá giang lên ga Hải Vân trên đỉnh đèo.
Một nữ lâm tặc đeo rìu, cưa bám bên toa tàu vượt đèo Hải Vân (Ảnh: Lao động) |
Mưa như trút nước khi đoàn tàu bắt đầu leo núi. Cái thang sắt bên hông toa trơn tụt như bôi mỡ. Dì Tư bán mực nướng, nhắc nghe rợn tóc gáy: “Chú không quen, phải cẩn thận đó, rớt xuống một cái là không toàn thây”.
Con tàu rùng mình lắc lư, rồi chao hẳn một bên khi qua vòng qua đường cong. Tiếng bánh sắt nghiến đường ray ken két đinh tai. Nhưng tiếng máy gầm nổ nghe long não hơn khi chui vào đường hầm hun hút, tối om.
Khói của đầu máy đen ngòm và đặc quánh gom hết vào vòm hầm, tuồn về phía sau. Những người bám ngoài tàu chúng tôi đều “hưởng” trọn những luồng khí nóng, đầy bụi đen đó. Khi tàu chui qua khỏi hầm thì mặt mày ai cũng đen nhẻm như thợ mỏ. Những người bán hàng rong lần lượt nối đuôi nhau phi lên nóc tàu.
Tôi kinh ngạc khi thấy từng tốp người, hầu hết là phụ nữ, trẻ em, họ đi lại, ngồi nằm tỉnh bơ trên nóc các toa tàu như đi dưới mặt đất. Dì Tư giải thích: “Phải quen mới có thể ung dung trên nóc tàu đang chạy như vậy, bởi đoạn đường đèo hơn 20km có nhiều cành cây, dây điện chèn ngang, nóc hầm thấp, không rành sẽ bị gạt văng xuống đất ngay”.
Đã hơn chục năm, kể từ ngày cấm đốt pháo, hàng ngàn người làng nghề làm pháo truyền thống Nam Ô thất nghiệp, phần lớn trong số họ chuyển nghề bán hàng rong. Mỗi ngày 20 chuyến tàu thông qua đèo Hải Vân thì họ có mặt ít nhất hơn nửa, ngược xuôi đèo để bán hàng trong khoảng thời gian ít ỏi dừng đổ ở các ga đỉnh và chân đèo.
Nhảy tàu đã thành kỹ năng đặc biệt mà già trẻ, trai gái vùng này thuần thục. Không chỉ ngày, mà cả những chuyến tàu đêm, suốt cả 2 mùa nắng mưa, những người bán hàng rong này cũng xuất hiện đều đặn.
Bây giờ, các chuyến tàu khách Bắc – Nam đã rút ngắn thời gian chạy tàu, các dịch vụ trên tàu cũng phong phú nên hàng rong trở nên ế ẩm. Nhưng đó là nguồn sống của đa số các hộ dân phía nam chân đèo Hải Vân nên không thể từ bỏ được. Nhất là sau khi hầm đường bộ đã thông xe, việc buôn bán dọc đường bộ trên đèo không còn tồn tại nữa, mọi người đã dồn hết qua đường sắt, theo những chuyến tàu để mưu sinh.
Tham gia nhảy tàu không chỉ có cánh hàng rong, mà còn cả trăm người khác với các ngành nghề như đi vớt rong biển, câu cá, bẫy thú, đốn củi… Họ chen nhau chạy, nhảy, leo trèo, đu bám, đi lại, thậm chí bỡn đùa trên nóc những đoàn tàu đang chạy vùn vụt cứ như đóng phim hành động.
Chuyển gỗ lên các đoàn tàu trên ga đỉnh đèo Hải Vân (Ảnh: Lao động) |
Đặc biệt, 4 tháng kể từ sau bão số 6 Xangsane đến nay, đội quân phá rừng ở Kim Liên tăng lên đột biến đến con số hàng trăm người cũng tham gia đội nhảy tàu để lên rừng Hải Vân.
Cưỡng bức tàu chuyển gỗ lậu
Đội bảo vệ an ninh quốc phòng thuộc XN vận tải đường sắt Hải Vân – đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến tàu Bắc-Nam khi qua cung đường Hải Vân – đã phải bó tay trước nạn nhảy tàu.
Nhưng tình hình đã đến lúc báo động, bởi việc nhảy tàu đông đúc, công nhiên gia tăng như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân người đeo bám tàu, gây mất an ninh trật tự chạy tàu đoạn qua đường đèo, mà còn đe doạ nghiêm trọng đến an toàn cho hàng ngàn lượt khách và những con tàu qua đây.
Một cán bộ an ninh tàu thuộc XN vận tải đường sắt Hải Vân khẳng định, đoàn người phá rừng trồng nam Hải Vân hơn 100 người mỗi ngày. Từ 2 giờ sáng, họ đã cơm đùm gạo gói cùng lỉnh kỉnh rìu rựa, cưa máy mang chéo vai, nhảy tàu lên rừng Hải Vân để hạ gỗ. Cuối ngày, họ tập kết gỗ xuống ven đường, đoạn gần ga đỉnh đèo và ga nam Hải Vân để chờ thời cơ, “cưỡng bức” các đoàn tàu chuyển gỗ về Đà Nẵng.
Tất cả những đoàn tàu qua đèo Hải Vân đều dừng hoặc đi rất chậm vì đường nguy hiểm, hay để ráp, tháo đầu máy đẩy. Đây là cơ hội của những người khai thác gỗ lao cây lên nóc tàu khách, sàn tàu hàng. Hết đèo, cũng là đích của bãi thu mua gỗ ở làng Kim Liên, đội quân phá rừng này lại thoăn thoắt như sóc, lô nhô leo lên nóc tàu, đạp xả gỗ xuống đường như… thả bom.
Hành động của họ nhanh, gọn, điêu luyện, nhưng với hành khách trên tàu thì quá đỗi khiếp hãi. Riêng ngành an ninh đường sắt thì đau đầu. Việc lao gỗ từ núi xuống đường sắt, theo những tốp người phi lên tàu, rồi đạp xuống khi về đích… có nguy cơ cao đến an toàn hành khách và đoàn tàu.
Ông Đặng Ngọc Thắng – Trưởng ga Hải Vân – lo lắng: Những phách gỗ có đường kính từ 25-50 tấc đó mà lỡ chui tọt xuống gầm tàu thì sẽ chèn bánh, trật đường ray, gây đổ tàu trên đèo là chắc chắn. Trước mắt là đe doạ hư hỏng đường dây điện, hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
Gỗ được lao từ trên nóc tàu xuống khu dân cư, trong lúc tàu đang xuống đoạn cuối đèo (Ảnh: Lao động) |
Đặc biệt, từ tháng 11 năm 2006 đến nay, vì bị tấn công mà có 6 đoàn tàu quyết định dừng chạy, xin lực lượng cứu viện, giải toả gỗ lậu mới thông được tàu. Mỗi chuyến chậm trễ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến toàn hệ thống điều độ chạy tàu cả nước.
Vì tham gia việc tố cáo nạn phá rừng, đối phó với nạn cưỡng bức tàu chuyển gỗ lậu xuống đèo mà Trưởng ga Hải Vân Bắc – ông Hoàng Viết Tụ – đã bị một số người ở Kim Liên trả đũa… ném đá thủng hết cả mái tôn nhà.
Đây cũng chính là lý do khiến kiểm lâm – đa số là dân bản địa – đã phải chùng tay. Các đơn vị đóng trên địa bàn, kể cả người bị hại là ngành đường sắt cũng không dám tố giác, ra mặt chống đối vì sợ hậu hoạ cho người thân.
Xí nghiệp vận tải đường sắt Hải Vân cho biết, trước tình hình nguy cấp như vậy, chúng tôi đã gửi đơn lên chính quyền địa phương và trung ương. Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Phước Chính đã chỉ đạo cho Sở Thuỷ sản – nông – lâm tổ chức hội nghị, bàn giải pháp đối phó.
Các lực lượng gồm chính quyền, Công an phường Hoà Hiệp Bắc, kiểm lâm, ngành đường sắt cũng đã mở chiến dịch cao điểm, nhưng không hiệu quả. Bắt tàu chạy ngày, họ chuyển gỗ về đêm. Canh ga đỉnh đèo, họ chuyển gỗ ga nam, dọc đường. Thậm chí có lần thu số lượng lớn gỗ, chuyển về đến trụ sở Công an phường, nhưng cuối cùng đã bị dân làng xông ra cướp sạch.
Ra quân mà không hiệu quả, dân “nhờn thuốc”. Phải chăng không có giải pháp đối với tình trạng nguy cấp này? Một cán bộ ngành đường sắt (xin được giấu tên) bức xúc: Chỉ vì chính quyền và ngành kiểm lâm không chịu mạnh tay, thậm chí làm ngơ cho người cùng quê phá rừng.
Theo ông, bởi cũng rừng gỗ trồng như nam Hải Vân, song cánh rừng phía bắc đèo, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, TT-Huế thì được giữ nguyên vẹn. Năm 2003 đã được Chính phủ tặng Huân chương Lao Động cho kiểm lâm. Ở đó, chính quyền kiểm lâm kiểm tra, bắt tận gốc nếu dân chuyển gỗ về địa phương không rõ lý lịch. Tại rừng, họ giao khoán cho tư nhân, thuê các lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì thế mà hiện nay, nhiều khu rừng trồng ở Huế bán giá 3-5 tỉ đồng.
Trong khi đó, rừng nam Hải Vân, được trồng từ những năm 1970, đường kính đến nửa mét nhưng đã bị khai thác trộm đến rỗng ruột. Ông Trần Văn Huy – Giám đốc Sở Thuỷ sản Đà Nẵng – cho biết đã giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng nam Hải Vân bán, khai thác, nhưng đến nay chẳng ai mua. Đây chính là lỗ hổng để cho tình trạng khai thác ngày càng gia tăng.
Với nạn nhảy tàu, chính quyền Đà Nẵng cần ngăn chặn kịp thời trước khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đường đèo.