Trước đây, khách du lịch dừng lại Tân Cương trên hành trình đi hồ Núi Cốc. Còn nay, tự Tân Cương đã là một điểm đến hấp dẫn.
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 13km về phía Tây, Tân Cương là vùng đất bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt với những dãy đồi thoai thoải về hướng mặt trời lặn mà dân địa phương gọi là núi Thằn Lằn. Bắt nguồn từ những cánh rừng trên núi, các con suối róc rách men theo những chân đồi chảy về tưới mát cả vùng chè (trà) đặc sản nổi tiếng.
Du khách luôn ngạc nhiên với môi trường trong lành và không khí ít sôi động tại vùng này. Nơi đây đồi nối tiếp đồi, chè nối tiếp chè, hương chè tươi nồng nàn trong không gian. Người dân vùng chè mê mải với công việc thường nhật, từ động tác hái chè những ngón tay như múa, từ cách thức sao vò chè như thể làm ảo thuật. Cũng vì sự khéo léo đầy tính nghệ thuật đó mà nhiều người đã được tôn vinh là nghệ nhân.
Mỗi gia đình đều có vườn chè và lò sấy, chủ hộ đóng rất nhiều vai: nông dân (khi chăm sóc chè), công nhân (khi chế biến) và thương nhân (khi bán hàng). Thường thì việc hái chè dành cho những cô gái trẻ, khắp đồi chè lan tỏa tiếng nói, tiếng hát, tiếng cười trong vắt của họ.
Trước đây chè được sao suốt bằng chảo gang rồi lấy hương bằng chảo đồng, chỉ phụ nữ mới đủ kiên nhẫn đảm nhận phần việc công phu này vì làm mỗi mẻ chè phải mất cả ngày trời. Nay, việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa. Nhiệt độ có thể lên tới 180oC, người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay.
Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào chè cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá lửa chè sẽ khét còn không đủ nhiệt, chè có vị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết độ nóng của lò. Dù họ không giấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát lò lửa chứ đừng nói đến chuyện đảo vò chè bằng tay trần trong lò nóng bỏng.
Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến, chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo, đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè. Trong thời gian chờ đợi, khách sẽ được dẫn đến “đất tổ” của chè Tân Cương, chiêm ngưỡng bãi chè cổ tại xóm Lam Sơn, ngay dưới chân núi Guộc, trên mỗi gốc cây sần sùi già cỗi là vòm tán rộng hàng sải tay với ngàn ngàn búp non tua tủa.
Nghe người già kể về nguồn gốc vùng chè đặc sản quý hiếm này, được thưởng trà giữa không gian khoáng đạt trong lành, khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thiên nhiên kết tụ trong mỗi búp chè Tân Cương.