Cục Đăng kiểm VN đang thử nghiệm loại xe máy thân thiện hơn với môi trường. Xe có thể chuyển từ chế độ chạy xăng sang chạy gas hoặc điện và khí thải chứa ít chất độc hại hơn nhiều so với xe chạy bằng xăng hiện hành.
“Hiểu một cách đơn giản, xe máy sạch là xe áp dụng công nghệ giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường” – Ông Đặng Việt Hà, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) lý giải.
Để đạt được hiệu quả nói trên, Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới đang lựa chọn 3 công nghệ thay thế. Đó là lắp thêm bộ trung hòa khí thải; lắp thêm bình gas hoặc thay thế xe chạy xăng bằng xe phối hợp điện – xăng.
Ở phương án thứ nhất, bộ trung hòa khí thải sẽ sử dụng các phản ứng hoá học để chuyển hoá một phần các chất khí thải độc hại như CO và HC thành khí CO2 thân thiện với môi trường, góp phần làm sạch khí quyển và bảo vệ sức khoẻ con người.
“Thiết bị này hiện có rất nhiều loại, nhiều nhà sản xuất, với những công nghệ khác nhau. Chúng tôi đang xem xét để chọn ra loại phù hợp hơn cả và sẽ thử nghiệm với loại này” – Ông Trần Bách Khải, đăng kiểm viên của Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới, cho biết.
Với phương án chạy phối hợp gas – xăng, xe sẽ chạy với hai chế độ riêng biệt. “Thích chạy bằng chế độ gas hay chuyển sang chế độ xăng là tùy vào người sử dụng” – Ông Khải nói.
Bình gas có thể được thiết kế lắp đặt phía sau xe, không ảnh hưởng tới thẩm mỹ của chiếc xe và không gây vướng víu cho người sử dụng. Ở phương án này, công nghệ xe chạy gas của GS.TS Bùi Văn Ga (Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng) từng được nhắc nhiều trên báo chí với thành công bước đầu cũng được tính đến.
Phương án chạy phối hợp điện – xăng được coi là phép thử đắt tiền nhất vì hiện nay Việt Nam chưa có loại xe này. Đối với phương án gas – xăng, chỉ lắp đặt thêm thiết bị vào chiếc xe máy chạy xăng truyền thống, phương án chạy điện – xăng đòi hỏi phải mua xe mới hoàn toàn.
Xe tiêu thụ xăng khi chạy tốc độ lớn và tự động chuyển sang chế độ chạy điện khi đi với vận tốc nhỏ, điều này đặc biệt thích hợp khi chạy xe trong thành phố, khi dừng trước đèn đỏ hoặc trong tình trạng tắc nghẽn giao thông. “Chúng tôi đang lựa chọn nhà sản xuất, có thể sẽ mua xe của Trung Quốc với lý do giá rẻ” – Ông Khải cho biết.
– Dự án Xe máy sạch là một trong bốn hợp phần của Dự án Không khí sạch Việt Nam – Thụy Sĩ (giai đoạn I 2005 – 2007) do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện.
– Theo số liệu Quy hoạch tổng thể môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2001 – 2020, dự kiến mức tiêu thụ xăng của Hà Nội năm 2010 là 262.293 tấn/năm, 2015 là 467.700 tấn/năm, năm 2020 là 403.544 tấn/năm. “Các loại xe máy đang trở thành nguồn chủ yếu sinh ra monoxide carbon, oxide nitrogen, đồng thời là nguồn phát thải khí sulfur và bụi vào không khí. Đây là các khí thải độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và tạo nên hiện tượng khí nhà kính” – KS Đặng Dương Bình. |
Bao giờ thành hiện thực?
“Sau khi lựa chọn công nghệ và ký kết với nhà tư vấn nước ngoài, Trung tâm kiểm định xe cơ giới sẽ bắt tay thử nghiệm trên xe máy vào cuối năm 2007. Địa bàn thử nghiệm là thành phố Hà Nội”. – Ông Đặng Việt Hà cho biết.
Với tổng ngân sách dự kiến khoảng 40.000 USD “hoặc thấp hơn”, số lượng xe thử nghiệm tùy thuộc vào giá thành của mỗi loại công nghệ được lựa chọn. “Một chiếc xe chạy phối hợp điện – xăng mua mới hoàn toàn của nước ngoài ít nhất cũng mất 2.000 USD rồi” – Ông Khải nói.
Hiện nay, dự án xe máy sạch đang chờ kết quả “khám xe máy” vừa được thực hiện tháng 11/2006 trên 2.000 xe, làm cơ sở cho việc thử nghiệm.
Muốn biết thực sự một chiếc xe máy sạch hình thù ra sao, khí thải sạch đến cỡ nào, cần phải chờ kết quả vào cuối năm nay. Việc đưa vào sử dụng rộng rãi các phương tiện thân thiện với môi trường này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như chính sách, sự ủng hộ, nhận thức, v.v…
Theo KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội: “Trong bối cảnh chưa bao giờ vấn đề môi trường và sức khỏe được quan tâm như lúc này, dự án xe máy sạch có thể được trông đợi”.