Bài viết sau của độc giả Nguyễn Tuấn được đăng trên mục "Bạn đọc và Pháp luật", báo Kinh tế nông thôn, số ra ngày thứ hai, 15/01/07. ThienNhien.Net xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc website với một chút bổ sung dữ liệu.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Tuy vốn rừng không nhiều (*) nhưng Đà Nẵng lại luôn là một mắt xích đáng quan tâm về… rừng và các sản vật của rừng. Điều đáng chú ý là, tình trạng săn bắt thú rừng trái phép ở Đà Nẵng những năm gần đây liên tục “nóng”, làm xâm hại đến nguồn động vật hoang dã quý hiếm, trong đó nhiều loài có trong sách Đỏ Việt Nam.
Thời gian qua, lực lượng công an TP. Đà Nẵng, nhất là trạm CSGT Kim Liên phối hợp với ngành Kiểm lâm kiểm tra phát hiện, bắt giữ được một lượng lớn động vật hoang dã (ĐVHD), vận chuyển trái phép từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc để chuyển qua biên giới. Từ đầu năm 2000 đến tháng 7/2006, số lượng ĐVHD phát hiện, bắt giữ đã lên đến 3.323 con, khoảng 1.915kg; trong đó có nhiều loài thú quý hiếm như: voọc vá chân nâu, vượn đen má hung, beo lửa, khỉ vàng… Ngay sau mỗi vụ bắt giữ, Chi cục Kiểm lâm mời Sở Tài chính đến định giá lô hàng để cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật và nhanh chóng thả vào các khu rừng đặc dụng Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà – Núi Chúa.
Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, hầu hết ĐVHD bị nhốt trong thùng kín, bỏ đói lâu ngày nên rất yếu. Lợi dụng điều đó, chỉ cần lực lượng chức năng đi khỏi hiện trường, các đối tượng buôn bán, vận chuyển tìm mọi cách bắt lại, tiếp tục đưa đến nơi tiêu thụ…
Đấy là chưa kể những trường hợp cán bộ kiểm lâm tiếp tay để ĐVHD lại nhà hàng đặc sản. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh kiểm lâm thả động vật vào rừng nhưng đi sau là đoàn xe của những đối tượng buôn bán, vận chuyển. Một số cán bộ kiểm lâm còn tuyên bố: Để họ thả vài giỏ rắn cho chúng tôi quay phim rồi làm gì thì làm. Tất nhiên, những hành vi đó cũng đã bị phát hiện và xử lý.
Cần một trung tâm cứu hộ miền Trung
Mặc dù là “điểm nóng” về tình trạng buôn bán động vật trái phép nhưng nghịch lý là cho đến nay khu vực miền Trung vẫn chưa thành lập trung tâm cứu hộ ĐVHD. Nếu có trung tâm này, động vật bị buôn bán, vận chuyển trái phép khi được lực lượng công an, kiểm lâm phát hiện bắt giữ sẽ được đưa đến trung tâm chăm sóc và chữa trị thương tích.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng cho biết, Chi cục đã có công văn đề xuất cho xây dựng trung tâm cứu hộ, song chưa được chấp thuận.
Sở Du lịch TP.Đà Nẵng thì đưa ra ý tưởng thành lập Trung tâm cứu hộ trên đỉnh núi Bà Nà, tiện cho việc phục vụ du khách tham quan. Song các chuyên gia nghiên cứu sinh thái môi trường không chấp thuận, vì theo quy định, Trung tâm cứu hộ ĐVHD phải đảm bảo nằm xa khu dân cư, không liên quan đến vùng du lịch sinh thái.
Hiện cả nước mới có trung tâm cứu hộ ĐVHD ở Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng hoạt động rất khó khăn, vì số lượng thú rừng bị thương từ các nơi chuyển đến đây nhiều trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế.
Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã chuyển 2 con voọc vá chân nâu, 214 con rùa nước ngọt cho rừng quốc gia Cúc Phương; chuyển cho Thảo Cầm Viên TP. Hồ Chí Minh một con beo lửa để nhân giống. Con số quá ít so với lượng thú bị đánh bắt. Với tình trạng trên, ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép đã được “tự do trở lại rừng” khó tránh khỏi vòng quay nghiệt ngã, bị đưa vào các quán thịt rừng đặc sản.
(*) Chú thích: Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 67.148 ha, tập trung chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc thành phố, bao gồm 3 loại rừng: Rừng đặc dụng: 22.745 ha, trong đó đất có rừng là 15.933 ha; Rừng phòng hộ: 20.895 ha, trong đó đất có rừng là 17.468 ha; Rừng sản xuất: 23.508 ha, trong đó, đất có rừng là 18.176 ha. (Nguồn: website của UBND TP Đà Nẵng)