Báo cáo của Cục Thú y cho biết ngày 14/1/2007, đã có kết quả xét nghiệm dương tính virus cúm H5N1 trên vịt tại ấp Trà Côn B, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Như vậy, số tỉnh có dịch cúm gia cầm lên 7 tỉnh.
Tại Bạc Liêu, trong hai ngày 13 và 14/1 đã tiêu hủy thêm 16.792 con vịt tại năm hộ chăn nuôi, thuộc năm xã, bốn huyện. Trước đó, ngày 12-1, Cục Thú y cũng có kết quả xét nghiệm dương tính virus cúm H5N1 trên vịt đối với đàn vịt chết 880 con tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, đưa tỉnh này thành tỉnh thứ sáu có dịch cúm gia cầm.
Hiện nay dịch cúm gia cầm xảy ra ở 39 xã, phường, 19 huyện, thị thuộc bảy tỉnh (chưa qua 21 ngày) là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Tính đến ngày 14/1, tại Cà Mau có xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) và thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi) 21 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới. Đến nay đã có 24 xã, 9 huyện của các tỉnh: Cà Mau (6 huyện, 16 xã), Bạc Liêu (2 huyện, 6 xã) hơn 10 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới.
Công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm đang được các địa phương tiếp tục triển khai. Ngày 13/1 tỉnh Đồng Tháp đã tiêm thêm được 142.766 con gia cầm tại 11 huyện, thị. Tỉnh Bạc Liêu tiêm thêm được 7.422 con, nâng tổng số gia cầm tiêm bổ sung là 389.327 con.
Theo TTXVN, sáng 14/1 sau khi kiểm tra thực tế tại ổ dịch mới bùng phát tại ấp Thuận Phú A, xã Thuận An, huyện Bình Minh (Vĩnh Long), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát chỉ đạo: các địa phương cần xem trọng ba yếu tố: phòng dịch là chính, cơ sở là chính, ý thức phòng chống trong dân là chính. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương vận động người dân chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi cũ sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo tiêm phòng cho tất cả gia cầm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân. Tăng cường năng lực của hệ thống cán bộ thú y để đủ sức khống chế, xử lý dịch bệnh trên đàn gia cầm ngay từ cơ sở.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tất cả các BV được phân công như BV Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Phạm Ngọc Thạch, các BV đa khoa của TP đã xây dựng khu điều trị cách ly đúng qui định, sẵn sàng tiếp nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H5N1. Các BV chủ lực đã chuẩn bị 160 giường cách ly để nhận bệnh nhân. Trong giai đoạn hiện nay, nếu cơ sở y tế chưa có khu cách ly điều trị đúng qui định thì chuyển về BV Bệnh nhiệt đới (đối với người lớn) và Nhi Đồng 1 (đối với trẻ em).
Cúm gia cầm hoành hành tại châu Á
Hong Kong thông báo kết quả xét nghiệm một xác chim ưng cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm thể H5. Tại Indonesia, thêm hai người tử vong do virus H5N1, đưa tổng số nạn nhân thiệt mạng vì cúm gia cầm tại nước này lên con số 61.
Viện Thú y quốc gia Nhật vừa khẳng định virus cúm gia cầm chủng H5 là nguyên nhân khiến gần 2.500 con gà chết tại một trang trại chăn nuôi tỉnh Miyazaki thuộc đảo Kyushu. Từ ngày 15-1, Nhật sẽ kiểm tra những người bán lẻ gia cầm trên toàn quốc. Theo tiến sĩ Hans Troedsson, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, nguyên nhân khiến cúm gia cầm bùng phát tại nhiều quốc gia là do virus cúm gia cầm trở nên mạnh mẽ hơn trong thời tiết lạnh. Người phát ngôn WHO Joanna Brent khẳng định cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus cúm gia cầm đã biến đổi gen và có thể dễ dàng lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, các chuyên gia WHO cảnh báo mối nguy cơ đại dịch toàn cầu là rất lớn bởi virus H5N1 “rất mạnh mẽ”. |