Điếc, viêm mũi, viêm phế quản, hen, ung thư phổi… là các bệnh mà nhiều người ở Bình Định mắc phải do các làng nghề nằm ngay trong khu dân cư gây ra.
Nhiều làng nghề gây ô nhiễm
Trong số các làng nghề đang hoạt động ở Bình Định, gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất là các cơ sở nấu đúc kim loại, chế biến tinh bột mì, rèn, làm gạch ngói, nấu rượu, làm bún, tiện gỗ, tráng bánh, tái chế nhựa…
Tại huyện An Nhơn, do qui mô sản xuất của các làng nghề nấu đúc kim loại khá lớn và tập trung nên gây ô nhiễm nặng nề, đặc biệt là khí thải chứa bụi kim loại và các khí axit. Nguyên nhân một phần do các cơ sở sản xuất lấy chì từ bình ăcqui phế thải, nhôm, đồng, gang từ tôn, vỏ lon bia, nước ngọt, các vỏ thiết bị máy móc làm bằng nhôm bị hư…, thậm chí còn lấy vỏ của những quả đạn pháo hoặc các kíp nổ bằng nhôm.
Còn làng nghề sản xuất tinh bột mì thuộc xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) và xã Bình Tân (Tây Sơn) thì nước thải tinh bột mì với lưu lượng lớn và hàm lượng chất hữu cơ quá cao khi chảy ra kênh rạch bốc mùi chua nồng. Độc tính của nước thải bột mì gây tác hại trực tiếp đến hệ thủy sinh vật, làm ảnh hưởng hoạt động nuôi trồng thủy sản, gây ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm môi trường đất, làm thay đổi đặc tính đất và năng suất cây trồng.
Ở Bình Nghi (Tây Sơn), dọc quốc lộ 19, hàng loạt lò sản xuất gạch ngói nối tiếp nhau. Mỗi khi các lò nung gạch ngói thì khói đen bay nghi ngút, bao trùm cả khu vực rộng lớn…
Chưa có câu trả lời
Thạc sĩ Trình Công Tuấn, trưởng phòng y tế – lao động Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, cho rằng đối với các làng nghề gây ô nhiễm, những người trực tiếp làm việc, kể cả người dân sống xung quanh đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể là mắc nhiều chứng bệnh như: điếc do thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, viêm mũi, đau khô họng, viêm họng, tổn thương thanh quản, viêm phế quản, phế nang, hen, viêm đường hô hấp, bụi phổi, ung thư phổi, các bệnh về da, mắt… Thế nhưng hiện pháp luật vẫn chưa qui định xử lý về việc gây ô nhiễm tại các làng nghề mà chỉ dừng lại ở tuyên truyền, giáo dục ý thức.
Thực tế, Quĩ Ford Việt Nam (Ford Foundation) có hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chế biến tinh bột mì cho xã Hoài Hảo (xây dựng cơ sở vật chất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản hệ thống xử lý nước thải…). Tuy nhiên hiện nay hầu hết các hộ chế biến tinh bột mì tại đây không dùng bể xử lý để chứa nước thải mà “vô tư” thải ra bên ngoài gây ô nhiễm.
Ở Tây Sơn có hơn 500 hộ có lò gạch ngói, riêng xã Bình Nghi có khoảng 300 hộ sản xuất gần các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng đến nay mới di dời được 154 hộ vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Hóc Bợm.
Làng nghề nấu đúc kim loại ở Bằng Châu (thị trấn Đập Đá, An Nhơn) cũng mới có 52 cơ sở được đưa vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Gò Đá Trắng. Ông Lê Minh Toán, phó chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: “Những hộ sản xuất kim loại gây ô nhiễm, nằm trong khu vực dân cư sẽ tiếp tục đưa vào Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Gò Đá Trắng. UBND huyện đang tìm địa điểm để bố trí các hộ đúc đồng và sản xuất cửa sắt nằm trong khu vực thị trấn Bình Định tránh xa khu dân cư. Còn những làng nghề khác thời gian tới cũng sẽ dần đưa vào những khu sản xuất tập trung, nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên, khi nào các làng nghề hết gây ô nhiễm thì chưa có câu trả lời dứt khoát.