Những chiếc vòi nước của các nước giàu đang lãng phí một lượng nước sạch nhiều hơn cả lượng nước có thể cung cấp cho hơn 1 tỷ người sống ở các nước đang phát triển. Có tới gần một nửa dân số tại các nước nghèo mắc phải những căn bệnh do nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém gây ra. Khoảng 1,8 triệu trẻ em chết hàng năm do bệnh tiêu chảy – một con số lớn gấp 6 lần so với tổng số người thiệt mạng trong những cuộc xung đột vũ trang.
Uỷ ban thế giới về nước đã đưa ra một bức tranh ảm đạm về nước và cảnh báo đến năm 2025, một nửa dân số thế giới sẽ sống trong điều kiện thiếu nước nghiêm trọng. Rõ ràng là cần phải trữ thêm thật nhiều nước nhằm đối phó với tình trạng lượng mưa giảm đi hoặc không thể dự đoán được. Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng chính phủ các nước cần xây dựng thêm nhiều đập lớn cho các hồ chứa mặc dù những dự án này thường có những tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, trong bản Báo cáo Phát triển con người năm 2006, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Báo cáo này không đồng tình với bức tranh ảm đạm đó mà lập luận rằng những người nghèo thiếu nước vì họ thiếu sức mạnh chính trị chứ không hẳn thiếu nước trong tự nhiên. UNDP khẳng định: “Sự khan hiếm, điểm mấu chốt của cuộc khủng hoảng nước toàn cầu đã bén rễ từ vấn đề quyền lực, nghèo đói và bình đẳng chứ không phải do khả năng cung cấp của tự nhiên”.
Việc đầu tư nhiều hơn nữa vào nguồn cung cấp nước đang trở nên rất cần thiết. Tuy nhiên, việc chứa nước trong các hồ chứa lớn và tập trung rất cần đến sức mạnh chính trị. Các lợi ích từ những đầu tư lớn vào nguồn nước có xu hướng nằm trong tay người giàu và có quyền lực trong xã hội. Bản báo cáo nói trên cảnh báo: “Điều đáng lo ngại ở đây là đòi hỏi của người có quyền lực chính trị và thương mại sẽ được ưu tiên hơn những yêu cầu của người nghèo và bị coi là không quan trọng”.
Báo cáo của UNDP đã góp một tiếng nói vào cuộc bàn cãi tìm ra giải pháp khả thi trong lĩnh vực phát triển nguồn nước. Các giải pháp hồ chứa không tập trung, quy mô nhỏ và những cải tiến hiệu quả dường như dễ tiếp cận người nghèo hơn là những hồ chứa, sông đào tập trung. UNDP cho biết: “Hàng trăm năm nay, con người đã xây những con đập và công trình thuỷ lợi quy mô lớn để giải quyết vấn đề thiếu nước trong nông nghiệp. Nhưng những năm tới đây, giải pháp cần tập trung vào việc quản lý nhu cầu sử dụng nước. Thay vì tìm cách có thêm nhiều nước cho tưới tiêu, cần có giải pháp để thu hoạch nhiều hơn với mỗi giọt nước đã sử dụng”.
Theo Chương trình Thiên niên kỷ của LHQ, trên thế giới có tới hơn 500 triệu hộ cực nghèo. Hầu hết họ phải canh tác trên những vùng đất cằn và phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Có lẽ họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ những chương trình đầu tư nhỏ vào các công trình trữ và cấp nước phi tập trung hơn là hàng tỷ đô la đầu tư vào những con đập và sông đào lớn tại những vùng màu mỡ.
Một giảp pháp cấp nước mềm dẻo sẽ kết hợp cả công nghệ mới và phương pháp trữ nước truyền thống. Trong nhiều thế kỷ, nông dân Ấn Độ đã xây dựng những con đập nhỏ để giữ nước và cung cấp cho tầng nước ngầm tại địa phương. Báo cáo Phát triển con người năm 2006 của UNDP ước tính, chỉ với 7 tỷ USD vốn đầu tư ban đầu, việc nhân rộng mô hình ra khắp các vùng canh tác sử dụng nước mưa ở Ấn Độ có thể giúp tăng giá trị vụ mùa của nước này từ 36 tỷ lên 180 tỷ USD mỗi năm.
Một giải pháp khác giúp khắc phục sự khan hiếm nước với mức chi phí rất thấp là tưới tiêu theo phương pháp thẩm thấu. Qua việc cung cấp nước trực tiếp cho rễ cây chứ không tưới lên các luống đất cày, hình thức tưới này giúp giảm lượng nước sử dụng tới 30% đến 60%, tăng sản lượng thêm hơn 50%. Tổ chức Các doanh nghiệp phát triển quốc tế (một tổ chức nghiên cứu và phát triển tại Colorado) đã sáng chế ra hệ thống tưới tiêu thẩm thấu với hệ quả là chỉ tốn 3 USD cho một mảnh đất nhỏ.
Giải pháp kết hợp sử dụng những con đập nhỏ và hệ thống tưới tiêu thẩm thấu sẽ giúp cung cấp nước mà không cần phá huỷ các dòng sông hay gây cạn kiệt nước ngầm. Nó cũng tạo công ăn việc làm và giúp người nghèo có tiền mua lương thực. Giải pháp khả thi này của UNDP có thể sẽ xoá bỏ vòng luẩn quẩn của những người nghèo: họ thiếu cả nước lẫn quyền lực chính trị.