Suy thoái môi trường phải được tính vào GDP

Các báo cáo phát triển kinh tế của Việt Nam lâu nay vẫn cho thấy GDP tăng trưởng mạnh mẽ, mà bỏ qua rằng sự tăng trưởng đó được trả giá đắt bằng tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nước, bệnh tật, mất rừng và cảnh quan… Theo các chuyên gia, phải tính cả giá này mới có được chỉ số GDP thật sự.

  Giáo sư Lâm Minh Triết và cộng sự, thuộc Văn phòng Chiến lược quản lý môi trường TP HCM đưa ra ví dụ về tài nguyên nước. Nước đang được con người sử dụng cho nhiều mục đích như thuỷ điện, thủy lợi, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản… nhưng không một ai phải trả bất kỳ chi phí nào cho quyền khai thác sử dụng. Kể cả khi có những thiệt hại xảy đến do suy thoái tài nguyên nước, như thiếu nước vào mùa khô, ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng thì vẫn không hề có khoản chi nào được tính cho việc sử dụng nước.
 
Đa số các chức năng dịch vụ của môi trường nước như khả năng duy trì hệ sinh thái tự nhiên, khả năng hấp thụ và hoá giải các chất ô nhiễm, điều hoà khí hậu, tạo cảnh quan… đều không có giá trên thị trường. Có thể nói nước là một trong những loại tài nguyên tự do tiếp cận nên bị khai thác và sử dụng quá mức, trong khi đầu ra luôn luôn có chứa yếu tố ô nhiễm môi trường.
 
Mô hình nghiên cứu của Gs. Triết và cộng sự đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) cho thấy để tạo ra được 1 tỷ đồng, các hoạt động kinh tế trong vùng đã thải ra 3,1 tấn BOD5 và 5,9 tấn chất rắn lơ lửng vào môi trường nước, 2,9 tấn CO2 vào môi trường không khí  và 44,4 tấn chất thải rắn vào môi trường đất. Còn tính riêng tại TP. HCM giai đoạn 1999-2002, GDP cả kỳ tăng 1,35 lần trong khi lượng rác sinh hoạt tăng 2,7 lần. Mối tương quan giữa những con số đã thể hiện tính không bền vững.
 
Từ những phân tích trên, GS. Triết nhận định các chỉ số đo lường sự phát triển kinh tế hiện nay như GDP hay GNP đã không phản ánh đúng trạng thái thực của một nền kinh tế bền vững, chưa cho thấy nguồn vốn tự nhiên bị hao mòn đến mức nào và chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống bị tụt giảm tới đâu. Vì vậy, theo ông cần cải tiến hệ thống hạch toán quốc gia hiện nay để có thể tính các chi phí phục hồi môi trường vào trong GDP hay GNP.
 
Cố GS. Lê Quý An trước đây đồng tình với quan điểm này cho rằng: “Cần tính toán đầy đủ sự tái tạo của tài nguyên, khắc phục ô nhiễm mới thấy được giá trị thực của GDP. Lấy ví dụ của Mexico, chi phí cho môi trường làm giảm đến 12% GDP. Còn ở Trung Quốc, tính toán thử 1 năm thì thấy rằng tổn thất do suy thoái tài nguyên làm GDP giảm đi xấp xỉ 10%. Điều đó có tính định hướng để cảnh báo rằng nếu phát triển kinh tế mà không chú ý đến các vấn đề môi trường thì sẽ có sự tăng trưởng giả tạo, mà cái nợ này là gán cho tương lai”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thành Bang, cán bộ Viện Chiến lược Chính sách KHCN của Bộ KHCN cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải thay đổi nhận thức: “Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần cho phát triển, chứ không đồng nghĩa với phát triển. Lâu nay, trên các phương tiện đại chúng và trên tất cả các tài liệu chính thức mà chúng ta công bố, chỉ nói đến mức độ tăng trưởng GDP chứ chưa nói đến chất lượng tăng trưởng…Trong khi chờ thay đổi hệ thống hạch toán quốc gia để đánh giá được chất lượng tăng trưởng, chúng ta cũng có thể tìm thấy những dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng hiện nay thực chất đang phải trả giá bằng sự suy thoái môi trường, mà suy thoái môi trường trong thời gian qua rất nghiêm trọng. Nếu thống kê thành thực, suy thoái môi trường trong thời gian chiến tranh còn nhỏ hơn nhiều so với suy thoái môi trường trong 30 năm qua, nhất là 10 năm gần đây”.
 
Để thay đổi thực trạng này, GS. Triết cho rằng cần phải xây dựng các chính sách hoàn vốn tư bản thiên nhiên, theo nguyên tắc: thu phí luỹ tiến hoặc đánh thuế đối với các hoạt động gây tác hại tiêu cực cho môi trường, trợ giá cho các hoạt động tích cực (tiết kiệm và bảo tồn thiên nhiên), thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm và người sử dụng tài nguyên phải thanh toán chi phí cơ hội cho người sử dụng tương lai… Còn theo cố giáo sư Lê Quý An, cần thay đổi nhận thức của xã hội về tài nguyên thiên nhiên theo hướng tôn trọng các sản phẩm tái chế từ chất thải và bắt đầu đặt ra vấn đề chất thải là tài nguyên.