Hàng ngày, hàng nghìn hộ dân tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM vẫn xếp hàng để mua nước sạch. Nhưng lắm khi họ đành đổi nước với giá cao ngất ngưởng và chưa rõ khi nào cảnh này chấm dứt.
Khoảng 8h30, gần chục xe ba gác, xe kéo tay đậu ngang dọc dưới lòng đường, những chiếc can nhựa cũng được bày la liệt, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng xe máy nổ giòn sau khi được chất đầy những can nước… Đó là cảnh người dân khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM đang chờ mua nước máy tại một điểm đổi nước trên đường số 3.
Chị L. nói: “Cuối tuần nào cũng đông như vậy, ra trễ một chút là hết nước phải đợi đến chiều. Ngày thường đỡ hơn nhưng cũng phải chờ 10-15 phút mới đến lượt mình”.
Theo nhân viên quản lý bồn nước ở đây, trung bình một ngày bán hết hai bồn (10.000 lít). Những ngày cuối tuần bán gần gấp đôi. Anh Lý Hưng, ở đường số 3, nói do nước giếng quá phèn, nhà xài nhiều nước (bán hủ tiếu) nên hàng ngày anh phải đi gần chục lượt mới mua được 30-40 can nước máy. Một số người dân khá giả ở đây thuê thợ sắt hàn những xe kéo tay (tốn cả triệu đồng) để chở được nhiều nước sạch. Những hộ nghèo khó hơn thì gánh, vác, chở bằng xe hai bánh từng can nước.
Hai điểm đổi nước (ba bồn) tại khu phố 6 được Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cung cấp nước sạch qua xe bồn cũng luôn quá tải vào giờ cao điểm.
Bà Nguyễn Kim Liên than thở: “Nhà tôi ở xa điểm đặt bồn, nhiều khi chạy xe đến điểm đặt bồn là hết nước. Tôi phải kêu nước của thương lái về xài, giá 15.000 đồng/200 lít”.
Hầu như năm nào phường Hiệp Bình Phước cũng xảy ra tình trạng căng thẳng nước sạch, nhất là vào đầu mùa khô, giáp tết. Tại những điểm đặt bồn, giá nước qui định là 5.000 đồng/m3 nhưng người dân mua lẻ với giá cao hơn nhiều lần. Chưa kể một số thương lái chạy xe ba gác qua phường Hiệp Bình Chánh mua nước đưa về bán lại với giá 60.000-70.000 đồng/m3, có lúc đẩy lên 100.000 đồng/m3.
Việc sớm có nước máy từ hệ thống cấp nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là niềm mong mỏi nhiều năm nay của người dân và chính quyền địa phương.
Ông Huỳnh Nhật Tâm, chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, cho biết toàn phường có 5.162 hộ dân nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng nước sạch (kể cả 470 hộ dùng nước của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn). Tuy nhiên, để mua được nước sạch người dân phải chầu chực rất khổ sở. Số hộ dân còn lại phải xài nước giếng kém chất lượng. |
Ông Huỳnh Nhật Tâm, chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Sawaco nhưng kết quả là người dân vẫn phải mua từng can nước. Cùng sống trên quốc lộ 13 nhưng người dân phía bên kia cầu Dầu (phường Hiệp Bình Chánh) có nước máy, còn phường Hiệp Bình Phước thì không”.
Trước đây, Sawaco có kế hoạch lắp đặt hai tuyến ống cung cấp nguồn nước cho người dân phường Hiệp Bình Phước. Tuy nhiên các dự án này đã bị “treo” do quốc lộ 13 đang có dự án mở rộng đường. Mới đây, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông công chính phối hợp với Sawaco xác định phương án tối ưu để triển khai dự án lắp đặt ống nước cấp 2 trên quốc lộ 13 đoạn thuộc phường Hiệp Bình Phước.
Ông Hồ Văn Lâm, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết: “Hiện vẫn chưa thỏa thuận được với chủ đầu tư dự án mở rộng đường về vị trí mặt cắt ngang, cơ sở xác định vị trí lắp đặt, độ sâu và để tránh trùng với một số công trình ngầm khác, nên các dự án trên vẫn chưa thể triển khai được”.
Trước đó, trả lời UBND phường Hiệp Bình Phước, Sawaco nói đến quý III những dự án trên sẽ hoàn tất. Nếu những tuyến ống (cấp 2) này hoàn thành đúng dự kiến thì cũng cần một thời gian để phát triển mạng lưới đường ống cấp 3 mới có thể dẫn nước sạch vào nhà dân. Như vậy nhanh nhất đến đầu năm 2008, người dân Hiệp Bình Phước mới có hi vọng gắn đồng hồ nước.