Anh Phạm Văn Đông (ở xóm 4 xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vừa tình cờ đào được một bộ xương voi khổng lồ có niên đại ước tính hàng ngàn năm dưới đáy sông Khe Đình.
Anh Đông cho biết, khoảng 13h ngày 14/12/2006, trong lúc đang đi thăm đồng, tình cờ anh thấy dưới sông Khe Đình có một khúc gỗ lim nhô lên theo phương thẳng đứng, đường kính khoảng 20cm. Thấy lạ, anh đào sâu xuống lòng đất hơn 5m; dưới những lớp bùn dần lộ ra từng mảnh xương khổng lồ.
Thấy có xương, anh tiếp tục huy động thêm bạn bè, người thân hì hục đào gần 3 ngày (từ 14-17/12), gom thành một bộ xương nặng khoảng 500kg gần như nguyên dạng, đang trong quá trình hoá thạch.
Một số người dân và các cơ quan xác định, đây là xương của một loài voi khổng lồ. Bộ xương có niên đại hàng ngàn năm, bởi một số xương như: đốt sống, xương vai, xương ống trước… đã có dấu hiệu hoá thạch.
Toàn bộ số xương voi này vẫn đang được cất giữ tại nhà anh Đông.
Sau khi bộ xương voi được phát hiện, hàng trăm người dân hiếu kỳ từ các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương…. đã tìm đến chứng kiến tận mắt “cụ voi”. Thậm chí, các tay lái buôn cũng có mặt ngay để ngã giá mua toàn bộ số xương.
Anh Đông nói: “Mới đây, Sở Văn hoá thông tin tỉnh Nghệ An đã cử đoàn về kiểm tra, thẩm định nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về niên đại của bộ xương này. Sau đó, tôi không thấy mấy ông đó (cán bộ Sở Văn hoá thông tin – PV) liên hệ hoặc có ý kiến, đưa ra giải pháp gì về số xương này cả”.
Mong muốn của anh Đông và gia đình là chuyển bộ xương voi khổng lồ này vào Viện bảo tàng khảo cổ học để các nhà khảo cổ nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng tiếp tục “không ý kiến”, anh có thể đành bán cho các lái buôn.
Theo một số “tay buôn”, đây có thể là bộ xương của voi Ma mút, đã bị tuyệt chủng cách đây hàng ngàn năm. Loại xương này rất có giá trị trong điều chế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, hơn 500kg xương voi này có giá lên tới hàng trăm triệu đồng.