Sự biến đổi khí hậu Trái đất đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân châu Phi và làm tiêu tan hi vọng giúp vùng đất này thoát khỏi cảnh nghèo đói của cộng đồng quốc tế.
Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Môi truờng và trợ giúp Anh, khí hậu châu Phi ngày càng diễn biến thất thường, hạn hán ngày càng trầm trọng và biến đổi khí hậu sẽ gây ra những mối de dọa khôn lường cho nền an ninh lương thực của châu lục này. Đồng thời, nghiên cứu cũng khuyến cáo một mô hình kiểm chứng cắt giảm khí thải đồng bộ để tránh những biến cố lớn có thể xảy ra.
Bản báo cáo này được tổng hợp và nâng cấp từ những nghiên cứu trước đây của tổ chức Oxfam, Tổ chức các nền kinh tế mới và Nhóm hoạt động về các vấn đề thay đổi khí hậu và phát triển. Báo cáo cho biết, mặc dù châu Phi vốn có khí hậu thất thường nhưng châu lục này có thể sẽ phải đối phó với những biến cố khí hậu mới rất nguy hiểm. Các vùng đất khô cằn ở phía bắc, đông, tây và một phần phía nam châu Phi ngày càng trở nên khô cằn hơn; trong khi đó, vùng gần xích đạo và những vùng còn lại của phía Nam sẽ trở nên ẩm ướt hơn. Nhiệt độ trung bình trong lục địa đã tăng 0,50C so với 100 năm trước. Nhiệt độ một số nơi tăng đáng kể, ví dụ như một phần diện tích của Kenya đã tăng 3,50C chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây.
Đại diện của Tổ chức các nền kinh tế mới, ông Andrew Simms phát biểu: “Việc Trái đất nóng lên khiến cho những vấn đề mà châu Phi đang phải đương đầu ngày càng trở nên trầm trọng. “Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, 25 triệu người sinh sống gần sa mạc Sahara phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng”.
“Việc Trái đất nóng lên đồng nghĩa với việc nhiều vùng đất vốn khô hạn trở nên khô cằn hơn và những vùng ẩm ướt càng ẩm ướt hơn. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của hạn hán và lũ lụt do nước biển dâng cao”.
Ông cũng bổ sung thêm: “Tấn thảm kịch lớn này do chính hoạt động kinh tế của những nước giàu gây ra nhưng gánh chịu hậu quả lại là người dân châu Phi. Chừng nào con người chưa tìm ra được biện pháp để hạn chế sự thay đổi khí hậu thì những cố gắng của cộng đồng quốc tế nhằm giúp châu Phi thoát ra khỏi cảnh nghèo đói sẽ vẫn chỉ là muối bỏ bể”.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất của việc biến đổi khí hậu đối với đời sống của người dân châu Phi là hoạt động nông nghiệp của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Báo cáo cho biết, lượng lương thực cứu trợ cho châu Phi đã tăng lên gấp 3 lần mỗi năm kể từ giữa năm 1980. Việc kết hợp dự báo thiên tai với phát triển nông nghiệp thích nghi được với sự biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp tốt và có thể giảm tổn thất do thiên tai gây ra nếu được áp dụng rộng rãi.
Bản thông báo cũng nhấn mạnh rằng các nước phát triển đã không giúp đỡ các nước đang phát triển thích nghi với việc biến đổi khí hậu đến nơi đến chốn.
Nhu cầu thực tế cần từ khoảng 10 dến 40 tỉ USD mỗi năm nhưng các nước công nghiệp chỉ mới chi 43 triệu USD (tương đương 10%); trong khi đó khoản đầu tư khai thác nhiên liệu hóa thạch của các quốc gia này ước tính lên tới 73 tỉ USD hàng năm.
Các bên đều cho rằng cuối cùng thì việc cắt giảm 60% đến 90% lượng khí nhà kính như mục tiêu đề ra trong nghị định thư Kyoto là cần thiết. Ông Tony Juniper, Giám đốc điều hành Tổ chức Những người bạn của Trái đất nói: “Thay đổi khí hậu đang hoành hành mạnh mẽ tại châu Phi. Nếu chúng ta không đề ra những kế hoạch cụ thể để cắt giảm khí thải, hàng triệu người dân sẽ bị đẩy vào đói kém và chết chóc”.
Bản thông báo này được đưa ra hai tuần trước khi Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu diễn ra tại Nairobi, nơi đại diện các nước sẽ xem xét tiến trình thực hiện những thỏa thuận ở hiệp định thư Kyoto, trong đó yêu cầu các nước công nghiệp cắt giảm lượng khí thải trung bình 5,2% tính từ năm 2008-2012. Đại diện các nước cũng sẽ xem xét những đề xuất tiếp theo khi thời hạn này kết thúc.