Các chuyên gia Phòng Hóa nhuộm và xử lý hoàn tất sản phẩm dệt – may (Khoa Công nghệ dệt – may và thời trang, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) đã hoàn thiện công nghệ nhuộm vải cotton, vải tơ tằm bằng chất mầu tự nhiên được chiết xuất từ lá các loại cây sẵn có ở nước ta như: chè, bàng, bạch đàn, hồng xiêm, sắn dây, thiên lý, tre…
Ðây là công nghệ dựa trên kỹ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương, nhưng đã được nâng lên bằng những kỹ thuật mới nên màu vải sau khi nhuộm bền hơn, sặc sỡ hơn và vải ít bị nhàu. Ðiều quan trọng hơn là nó có ưu điểm về khả năng bảo vệ da, tính kháng khuẩn cao và nước thải trong quá trình nhuộm không hủy hoại môi trường như các loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ hóa chất.
Ðề tài này được hình thành từ những chuyến đi thực tế của PGS-TS Hoàng Thị Lĩnh tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyên nhuộm vải thổ cẩm thủ công bằng lá chàm và củ nâu ở Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình. Nhưng nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm. Hầu hết bà con dân tộc phải sử dụng hóa chất để thay thế vừa dễ bị phai, vừa có hại cho da. Vì thế tác giả đã nghiên cứu, đưa các loại lá vào tách chiết lấy dung dịch màu, sau đó bổ sung một số hợp chất có tỷ lệ thích hợp và cho vải vào nhuộm đều.
Ðể tăng số lượng vải cho một lần nhuộm, đồng thời bảo đảm đồng đều của màu trên vải nhuộm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ nhuộm đơn giản: Sau khi thu gom nguyên liệu, rửa sạch đưa vào bộ phận phụ trợ có nhiệm vụ tách chiết lấy dung dịch chất mầu rồi chuyển vào máy nhuộm. Trong bộ phận máy nhuộm, thiết kế thêm giỏ lọc tạp chất từ nguyên liệu. Mỗi lần nhuộm ít nhất cũng phải đạt công suất 200 m vải/lần.
Mỗi loại lá cây cho ít nhất năm loại mầu khác nhau và khi tận dụng dung dịch loãng của hai loại cây khác nhau sẽ cho ra nhiều loại mầu phong phú.