Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, không khí chúng ta thường hít thở hàng ngày có tới 1.800 loại vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn không có hại kết hợp với vi khuẩn có hại tấn công sức khỏe con người.
Trong 17 tuần làm thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley thuộc Tổ chức Tầm nhìn Khoa học và Trái đất (The Earth and Sciences Division – Mỹ), các nhà khoa học đã lấy mẫu không khí của hai thành phố San Antonio và Austin, Bang Texas để phân tích. Hai thành phố này có những đặc điểm gần giống nhau về dân cư, địa hình và đặc điểm tự nhiên.
Các nhà khoa học đã kiểm tra các mẫu không khí bằng phương pháp dùng một thiết bị có chứa ADN cực nhỏ thăm dò gen sản xuất ra protein của các vi khuẩn. Thiết bị có tên PhyloChip có thể phát hiện 9.000 phiên bản của các loại gen và mỗi phiên bản gen tương ứng với một loại vi khuẩn.
Kết quả cho thấy, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 1.800 vi khuẩn trong các mẫu không khí. Điều đáng chú ý trong những thí nghiệm này là địa hình không có sự khác biệt về số lượng vi khuẩn trong các mẫu.
Thời điểm và thời tiết chính là nguyên nhân gây ra sự thay đổi của các loại vi khuẩn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ấm và khô số lượng vi khuẩn tăng lên rõ rệt. Điều này đã giúp các nhà khoa học xác định được mầm của những căn bệnh có liên quan đến thời tiết và phát hiện tín hiệu do vi khuẩn tấn công ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đồng thời, những thí nghiệm này đã giúp cho các nhà khoa học xác định rõ sự phát tán của những vi khuẩn trong không khí, ví dụ như những bụi bẩn từ sa mạc Sahara đã phát tán sang vùng Bắc Mỹ mang theo căn bệnh hen suyễn cho người dân nơi đây.
Nhà khoa học Gary Andersen, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết “Trước khi tiến hành nghiên cứu này, không ai có thể tưởng tượng được tính đa dạng của các loại vi khuẩn trong không khí nhiều như vậy”.
Thành công của nghiên cứu này đã được đang tải trên Tạp chí Khoa học Hàn lâm quốc gia của Mỹ.