Bình Định: Nóng ran chuyện khai thác titan

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Định đã "đốn" hàng trăm hécta rừng phòng hộ ven biển, lấy đi hàng chục ngàn tấn titan, gây thiệt hại lớn về tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, khi hàng loạt DN vừa bị tước giấy phép khai thác thì "khoáng tặc" lại lộng hành dữ dội, nhiều huyện phải… kêu trời, vì số người này dám tấn công cả vào trụ sở UBND xã…!

Doanh nghiệp phá rừng, tài nguyên thất thoát

Trong 2 năm 2005 – 2006, UBND tỉnh Bình Định đã cho hàng chục DN thuê hàng trăm hécta đất ven biển tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ để khai thác titan. Tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cấp phép và hậu kiểm, dẫn tới hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị “nhầm” thành đất cát ven biển hoặc đất chưa sử dụng để cấp phép khai thác titan. Ngoài diện tích được cấp, các DN đã lấn chiếm vô tội vạ, hoặc tự ý “mua” lại rừng của nhiều hộ dân nhận khoán để san ủi lấy titan. Dù vậy, cơ quan chức năng cũng không phát hiện kịp thời, để thất thoát tài nguyên khoáng sản và mất rừng với diện tích lớn.Tại Phù Mỹ và Phù Cát đã có 221ha rừng “chết oan” vì titan, trong đó 122ha bị phá có “giấy phép” và 92ha do các DN tự mua bán, lấn chiếm. Dẫn đầu việc phá rừng là Công ty liên doanh Bimal (44,4ha), Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (57,6ha), các DN nghiệp khác cũng phá từ vài hécta đến hàng chục hécta.

   Đáng nói là toàn bộ diện tích này đều thuộc dự án PAM và các dự án trồng rừng khác nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng cường năng lực phòng hộ và cải thiện đời sống nhân dân. Không chỉ phá rừng, nhiều DN hết thời hạn thuê đất vẫn ngang nhiên khai thác titan mà không bị ai nhắc nhở.
Điển hình là Công ty TNHH Thành An đã hết hạn thuê đất từ ngày 03/12/2005, nhưng vẫn tiếp tục khai thác đến ngày 20/08/2006. Kết quả, Thành An trục lợi hơn 11 ngàn tấn quặng nguyên khai, xuất khẩu 5 ngàn tấn với doanh thu hơn 3,7 tỉ đồng. Xem ra, đây là kiểu “ăn cắp” tài nguyên hiệu quả nhất, được hầu hết các DN khai thác titan tranh thủ thời cơ trước thời điểm bị kiểm tra (29/11/2006).
Các DN đã hết hạn thuê đất vẫn bám trụ để khai thác titan tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ)  


“Khoáng tặc” gây áp lực với chính quyền?

Trong tháng 12/2006, UBND tỉnh đã tịch thu hàng loạt giấy phép khai thác titan, không gia hạn cho một DN nào, giao Chi cục Kiểm lâm xử lý các DN phá rừng, đồng thời kiểm điểm các ngành chức năng. Nhưng khi các DN vừa rút khỏi “mặt trận titan” thì “khoáng tặc” lộng hành khai thác dữ dội tại hầu khắp các xã ven biển. Điển hình là vụ đêm 19.12, tổ tuần tra của xã Cát Tiến, huyện Phù Cát đã bị khoảng 50 người có hung khí ở thôn Trung Lương đuổi đánh vì nghi… tổ tuần tra bảo kê cho “khoáng tặc”.

Địa điểm tổ tuần tra bị đuổi đánh chính là khu vực bắc Trung Lương, nơi có dự án khu du lịch của Công ty TNHH Mỹ Tài (DN đang làm thủ tục tận thu titan). Ngay sau đó, gần 200 người đến trụ sở UBND xã Cát Tiến để đòi… được khai thác titan. Trong khi cơ quan chức năng huyện Phù Cát đang điều tra vụ chống người thi hành công vụ nói trên, thì địa bàn Phù Mỹ cũng “nóng ran” nạn khai thác titan trái phép.

Ngày 22/12/2006, UBND huyện Phù Mỹ có công văn hoả tốc gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo giải quyết nạn “khoáng tặc”. Theo báo cáo của huyện Phù Mỹ, mỗi ngày có khoảng 500 người đổ vào khu vực Mỹ Thành – Mỹ Thọ đào cát lấy titan bán cho tư thương. Tại các xã này, mỗi ngày có không dưới 50 tấn quặng titan “bốc hơi” theo đường thuỷ, đường bộ, nhưng huyện không xử lý được vì xe chở có giấy tờ hẳn hoi, titan cũng không phải mặt hàng cấm.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định, ngoài Trung Lương (huyện Phù Cát), Mỹ Thành và Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), hiện vẫn còn rất nhiều “điểm nóng”, đặc biệt là Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn). Chỉ tính riêng các địa bàn này, mỗi ngày đã có hàng trăm tấn quặng titan “bốc hơi” trước sự bất lực của chính quyền cơ sở.