Giáo sư Phil Jones, Giám đốc khoa nghiên cứu khí hậu tại trường đại học East Anglia của Anh, đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu về khí hậu của Anh, nhận định rằng năm 2007 sẽ là năm khí hậu toàn cầu nóng ấm kỷ lục, dẫn tới những hậu quả nặng nề đối với hành tinh chúng ta.
Theo Giáo sư Jones, sự ấm lên của Trái đất đã gây hạn hán ở khu vực sừng châu Phi, làm tan băng ở Bắc cực, dẫn tới hiện tượng El Nino tăng lên. Xu hướng này đang làm nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 1 đến 2 phần mười độ C mỗi thập niên.
Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại sẽ làm cho khí hậu toàn cầu trong năm 2007 ấm hơn năm 1998 – năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ ở Anh trong năm 2007 cũng có thể vượt năm 2006 – năm được coi là nóng nhất tại xứ “sương mù” kể từ năm 1659. Những hiện tượng thời tiết bất thường có thể gây hạn hán tại Indonesia, trong khi bang California (Mỹ) sẽ bị lụt lớn.
Trả lời phóng vấn báo “Độc Lập” (Anh) số ra ngày 1/1, Tiến sĩ khoa học Mỹ Jim Hansen cũng dự đoán sự nóng ấm toàn cầu sẽ không thể kiểm soát nổi và dẫn tới những thay đổi trên Trái đất nếu con người không hành động nhanh chóng để khắc phục lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng tăng.
Theo ông Hansen, việc sử dụng cạn kiệt các nhiên liệu hóa thạch dẫn tới nguy cơ Trái đất sẽ bị biến đổi tới mức không có băng ở Bắc Cực, mực nước biển sẽ tăng lên và loài bị tuyệt chủng.
Nhiều nhà khoa học của Anh chia sẻ quan điểm trên về sự thay đổi khí hậu toàn cầu và kêu gọi chính phủ các nước cần có biện pháp khắc phục.