Từ xa xưa đến nay, cuộc sống của người Ca Dong luôn gắn chặt với núi rừng, vì vậy điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ, đó chính là lý do ra đời của Lễ mừng lúa mới (Kă p’lei).
Người Ca Dong thuộc ngữ hệ Môn – Khmer là nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng sinh sống ở miền núi phía Tây Nam (Quảng Nam) với dân số khoảng 8.000 người, tập trung ở huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và một số ít ở xã Phước Gia, Phước Trà, huyện Hiệp Đức. Làng (plơi) là đơn vị xã hội truyền thống duy nhất của đồng bào Ca Dong gồm nhiều nóc (spôk) có phạm vi đất đai riêng, ranh giới quy ước theo con suối, dòng sông, đỉnh núi… Tên gọi của plơi dùng theo tên địa hình hoặc theo tên của người đứng đầu làng.
Từ xa xưa đến nay, cuộc sống của người Ca Dong luôn gắn chặt với núi rừng, vì vậy điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ, đó chính là lý do ra đời của Lễ mừng lúa mới (Kă p’lei). Lễ thức này không chỉ thể hiện trên khía cạnh vật chất “kết thúc một vụ mùa bội thu, mở ra một năm mới đầy hứa hẹn” mà còn cả về tín ngưỡng tâm linh “là tiền đề cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng”.
Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Ca Dong, việc tổ chức và điều hành Lễ do chủ làng (Kră plơi) chủ trì. Ông là người rất có uy tín được các trưởng nóc hay trưởng gia đình cử ra có nhiệm vụ giữ gìn phong tục tập quán, đại diện dân làng trong các lễ thức tôn giáo. Vì vậy, đối với việc tổ chức lễ hội dù to hay nhỏ, bất kể mọi lĩnh vực khi dân làng đã thảo luận và đi đến nhất trí thì chủ làng là người đôn đốc thực hiện. Vào tháng 4, chủ làng và thầy cúng bàn bạc với dân làng về tổ chức lễ, chọn ngày tiến hành lễ xin phép thần linh và nếu thần linh đồng ý, họ thông báo cho cả làng được biết về Lễ Kă p’lei. Công việc chuẩn bị bắt đầu bằng việc mỗi nhà trong làng ủ nhiều ché rượu. Thanh niên trai tráng vào rừng lấy lồ ô, nứa, lá thiên niên kiện để trang trí và làm cây nêu, cây huê (cột đâm trâu). Con gái giã gạo từ lúa padâm và hái lá đót gói bánh thiêng. Pađâm là thứ lúa do thành viên đã có vợ trong mỗi gia đình trồng một bụi trên khoảng đất riêng trước khi bắt đầu mùa rẫy do người vợ chăm sóc và tự tay tuốt đem về giữ riêng trong chòi để đem ra giã gạo dâng cúng mẹ lúa (yang s’ti), thần lúa (yang vút) và bàn thờ tổ tiên (plo’xơi) trong ngày Kă p’lei.
Người Ca Dong rất coi trọng Lễ mừng lúa mới nên đồng bào thường tổ chức rất chu đáo. Thời gian Lễ hội mừng lúa mới nằm trong tháng Khê ning nong là khoảng giữa từ khi lúa rẫy mùa trước đem về chòi đến khi có lễ len a chem (làm phép phát rẫy) chuẩn bị mùa sau. Mỗi Plơi người Ca Dong làm lễ theo mỗi ngày riêng, làng nào tổ chức thì cử người đi mời các làng trong vùng có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ liên minh thị tộc đến dự. Vì vậy, dù Lễ hội của mỗi làng chỉ tiến hành trong hai ngày nhưng không khí “túc chinh” tươi vui, rộn ràng khắp các làng bản Ca Dong kéo dài suốt tháng.
Lễ hội Kă p’lei của đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các Plơi biểu thị sức mạnh cộng đồng, biểu dương lực lượng, là cơ hội để các thành viên trong làng đặc biệt là trai tráng thể hiện tài năng. Đây là nét đẹp văn hoá cổ truyền cần gìn giữ để mỗi năm đến mùa thu hoạch nương rẫy dân làng Ca Dong lại rộn ràng tươi vui bên chén rượu. Các điệu hát và tiếng cồng chiêng vàng khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm.