Sau đợt lũ tháng 7 năm 2006, cả vùng Phú Thượng – Nhật Tân bị ngập nặng. Vườn đào của nhiều gia đình ở đây bị thiệt hại lớn. Đến thời điểm hiện nay giá đào đã tăng gấp rưỡi năm ngoái và có thể còn cao hơn.
Hàng ngày, 2 vợ chồng anh Mai Văn Hòa ở cụm 6, phường Phú Thượng, Tây Hồ tất tả ra đồng chăm sóc cho cánh đồng đào của mình từ 5h sáng đến tận 7-8h tối mới về. Nhất là sắp tới Tết Nguyên đán, công việc của anh chị càng gấp rút và cẩn thận hơn bao giờ hết.
Tính ra, đã hơn 20 năm anh Hòa làm nghề trồng đào. Giống như nhiều người dân vùng Phú Thượng, Nhật Tân, nhiều thế hệ gia đình anh đã gắn bó với cây đào. Anh tâm sự rằng, từ nhỏ anh đã theo một ông cụ trong làng, người đầu tiên của nghề trồng đào, để học nghề. Công việc này không khó nhưng đòi hỏi người ta phải tâm huyết, yêu nghề và quan trọng là phải có kinh nghiệm.
17 tuổi, anh bắt đầu trồng đào, đi bộ đội, và công tác một thời gian rồi về nghỉ mất sức. Trong suốt thời gian “an cư” tại nhà, anh tiếp tục theo nghề trồng đào mà bố mẹ, họ hàng đã làm. Mới đầu anh được “thừa kế” một vài sào đất ruộng của các cụ để lại. Nhưng sau đó giải phóng mặt bằng, không còn đất để trồng cây đào. Hai vợ chồng tính toán, thuê lại đất của những người không còn “mặn mà” với việc trồng đào.
Thời gian trồng bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến tháng 8 âm lịch rồi chuyển sang thời kỳ hãm đào. Cách Tết âm lịch 60 ngày, anh Hòa xuống lá cho cây đào. Anh cùng vợ đi tuốt hết lá để cây đào tập trung vào phát triển nụ. Anh Hòa nói: “Thời tiết rất quan trọng, là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công việc trồng đào. Nếu ấm quá, cây sẽ nở hoa sớm, mà có gió mùa, đào sẽ không ra hoa đúng dịp Tết được”. Điều này, theo kinh nghiệm, anh biết phải làm thế nào để cây đào ra hoa theo ý muốn.
Đào Nhật Tân tạo được cho mình một thương hiệu là bởi tự nhiên đã ban phát cho khu vực này loại đất đai mà không một nơi nào có được. Cánh đào đỏ thắm, dầy cánh, bông to, dăm đào (phần cuối của cây đào để kết nụ ra hoa) nhỏ, đỏ… là những điểm bất kể người chơi Hà Thành nào sành đều nhận ra được.
|
Hàng nghìn cây đào ở Phú Thượng và Nhật Tân bị chết. Ảnh: Quang Việt |
Anh tâm sự: số đào vợ chồng anh Hòa hiện có khoảng 800 cây. Không như người khác, anh không phải thuê người mà chỉ hai anh chị cặm cụi tự làm, thỉnh thoảng con cái giúp bố mẹ một chút. Nhưng đợt lũ tháng 7 trong năm đã làm anh thiệt hại gần 100 cây, thế là còn may vì vườn đào nằm trên thửa ruộng cao chứ nếu đào gặp lụt, chắc phải bó tay, không thể làm gì được.
Không được may mắn như nhà anh Hòa, gia đình anh Tung ở trên Phú Gia gần như mất trắng số đào năm nay vì ngập lụt. Ở Phú Gia, đào bị ngập chết hàng loạt, chỉ một vài gia đình “liều mình” trước đó đã chuyển đào ra bãi sông để trồng không bị mất. Cũng chỉ tại những người “bảo thủ” không muốn trồng ở bãi vì nghĩ chất lượng đào sẽ kém. Tính ra, vườn đào nhà anh Tung thiệt hại hơn 90%, nhiều nhà mất trắng.
Một số hộ dân ở Phú Thượng cho biết, việc ngập lụt do bởi cống rãnh bị tắc ứ, không lưu thông được. Công cuộc giải phóng mặt bằng, lấy đất xây dựng nhà cửa của một công ty nước ngoài trong thời gian gần đây cũng ảnh hưởng lớn đến tình trạng đào chết trơ gốc. Nhà bà Đoan có mảnh vườn trồng được gần trăm gốc đào cũng bị chết gần hết, còn lại vài chục gốc bị mục. Bà Đoan bộc bạch: “Chắc không bán nổi số đào này, vì hoa không có. Có lẽ tôi phải bán số gốc đào này cho dân xóm trên để họ mang ra bãi trồng”.
Tình hình “tơi tả” mà đào Nhật Tân hiện nay gánh chịu làm cho giá cả của thị trường này tăng vọt. Đến thời điểm hiện tại, người mua đến đặt tăng gấp rưỡi với giá năm ngoái. Số đào nhà anh Hòa ngoài “đổ buôn” cho các cửa hàng kinh doanh trên phố, bán cho người dân, có cả những nhân viên hàng không đến đặt hàng trước Tết để chuyển vào TP HCM và ra nước ngoài cho người thân.
Anh Hòa nói: “Chuyện ngập lụt khiến cho nhiều gia đình bị mất ít, hoặc mất trắng số đào mình đầu tư trong cả năm. Một điều tất yếu, sẽ có nhiều loại đào khác cạnh tranh trên thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán, không thể không nói đến chuyện “nhái” đào Nhật Tân. Nhưng tôi tin, người sành chơi sẽ biết được đào Nhật Tân chính hiệu”.
Chuyện đào Nhật Tân mất mùa chắc chắn sẽ gây ra tình trạng khan hiếm đào trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay.