Việc bán lại và bán đấu giá động vật hoang dã (ĐVHD) tịch thu được từ những vụ buôn bán ĐVHD là một rào cản lớn trong công tác bảo tồn và chống lại nạn buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam. Căn cứ theo Nghị định 139/2004/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2004, trong vài năm gần đây, một lượng lớn ĐVHD sau khi tịch thu đã được đem bán lại cho những kẻ buôn bán ĐVHD.
Chương trình bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã thống kê được trong 106 vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép được phát hiện kể từ năm 2005, có khoảng 50 vụ (47%) các cơ quan chức năng bán đấu giá toàn bộ hoặc một phần số tang vật thu được. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các loài quý hiếm và được bảo vệ trong Nghị định 32/NĐ-CP ban hành ngày 30/3/2006 cũng được đem bán đấu giá.
Theo Nghị định này, các loài ĐVHD thuộc nhóm 1B không được phép buôn bán vì mục đích thương mại dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, Điều 34 Nghị định 139/2004/NĐ-CP lại cho phép các cơ quan chức năng tỉnh bán các ĐVHD quý hiếm được xác định là ốm yếu hoặc không thể sống sót trong điều kiện tự nhiên. Chính vì lỗ hổng này mà nhiều loài có giá trị cao như tê tê và một số loài rùa quý hiếm thường được kiểm định là ốm yếu và đã bị bán lại cho những kẻ buôn bán ĐVHD!
Mặc dù được pháp luật cho phép nhưng việc bán đấu giá ĐVHD đặc biệt là những loài được bảo vệ thuộc nhóm 1B và 2B quy định trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP là góp phần tiếp tay cho những kẻ buôn bán ĐVHD thực hiện hành vi của mình một cách hợp pháp. Thông qua hình thức này, các loại ĐVHD quý hiếm có nguồn gốc bất hợp pháp được buôn bán công khai trên thị trường.
Mặt khác, khi ĐVHD được bán lại cho những kẻ buôn bán ĐVHD, những cơ quan chức năng bảo vệ ĐVHD có thể bị coi là những người tiếp tay cho hành vi buôn bán ĐVHD trái phép và điều này đối lập với mục đích và nhiệm vụ bảo vệ ĐVHD của các cơ quan nói trên. Một cuộc điều tra có sự tham gia của 60 nhân viên kiểm lâm được thực hiện vào đầu năm 2006 cho thấy khoảng 81% số kiểm lâm được hỏi đồng ý rằng trong các cuộc bán đấu giá, hầu hết ĐVHD tịch thu lại rơi vào tay những kẻ buôn bán và điều này khiến cho nạn buôn bán ĐVHD trái phép ngày một gia tăng.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD, thông qua việc cung cấp ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp và bất hợp pháp, chúng ta đang góp phần tăng thêm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD trên thị trường và như vậy có nghĩa là chúng ta đang vô tình khuyến khích các hành vi săn bắt và buôn bán ĐVHD. Thợ săn khi đó phải cố gắng tìm cách tăng thêm nguồn cung cấp để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, theo đó số lượng các vụ buôn bán ĐVHD trái phép cũng ngày một gia tăng.
Hiện nay Cục Kiểm lâm đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 139, hy vọng lỗ hổng pháp lý nêu trên sẽ được xóa bỏ, đồng thời cũng xem xét một số vấn đề cấp bách khác. Chúng tôi đặc biệt đề xuất việc sửa đổi Nghị định 139 phải nghiêm cấm việc tái bán hoặc bán đấu giá ĐVHD tịch thu được dưới mọi hình thức nhằm tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống lại nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD ở Việt Nam.