Nuôi nai "giữa phố"!

Khi nạn sát hại động vật hoang dã đã và đang lan tràn khắp những cánh rừng thì ông lại âm thầm năn nỉ mẹ và vợ, một mình lên tận các buôn làng ở Đắk Lắk mua… nai về nuôi với mong muốn vùng đất nơi mình sống "có mặt" loài vật này. 15 năm qua, đàn nai của ông không ngừng nhân thêm "quân số" ngay giữa lòng thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định…

Khởi nghiệp

Cũng đã từ rất lâu rồi, những bạn bè cật ruột cũng như hàng xóm láng giềng quen gọi ông Vũ Văn Thuận là “ông Thuận nai”! Cái tên này ai nghe cũng cảm thấy “thuận tai” bởi lẽ không chỉ ông “độc nhất vô nhị” ở phố biển Quy Nhơn hành nghề nuôi nai từ suốt 15 năm qua mà sản phẩm rượu nhung chế biến từ nhung nai của ông cũng đã trở thành một thương hiệu vang danh khắp xứ. Trong khu vườn nhà của gia đình khá rộng ở khu vực 7, phường Lê Hồng Phong, ông dựng lên một khu nhà dành riêng… cho nai ở. Khi chúng tôi đến nhà, ông đang chuẩn bị thu hoạch “chiến lợi phẩm”. Trong số 6 con nai hiện có của ông, một con nai đực nặng khoảng hơn 2 tạ đã đến ngày cưa nhung. Đứng bên cạnh con nai sắp “đẻ” ra tiền triệu, ông Thuận thủng thẳng nói: “Những năm 1997, 1998 mới là thời “hoàng kim” trong nghề. Đàn nai của tui lúc ấy lên đến 30 con. Mấy năm gần đây, nhiều người ở trong Nam biết tiếng đến dạm mua về nhân giống, tôi bán lần bán mòn gần hết”. Tôi đùa: “Thế thì suốt ngày bác phải “nai lưng” ra mà chăm sóc đàn nai, thời gian đâu… lo cho bác gái?”. Ông cười: “Bà ấy cũng hiền, cảm được cái nghề nuôi nai của tui. Quen rồi. Không than vãn gì”.

Chuyện khởi nghiệp nuôi nai của người đàn ông này ấp ủ từ thời trai trẻ. Đến năm 1990, ông mới quyết tâm “công bố” ý định của mình. Ông nhớ lại: “Sau khi hay chuyện, nhiều thành viên trong gia đình khi ấy đã bị “sốc”. Mẹ tui can ngăn: “Con đừng rước khổ vào thân và vợ con. Nuôi heo, nuôi gà thì được chứ ai lại dại dột lên núi “rước” nai về nuôi trong nhà. Nó chết “bất đắc kỳ tử”, tiền mất tật mang thì biết kêu ai”. Khi ấy, tôi đưa cho bà cuốn sách viết về đông y của giáo sư Đỗ Tất Lợi, nài nỉ: “Nhà mình ai cũng ốm yếu, không đủ tiền nuôi bác sĩ trong nhà thì mình nuôi… nai. Nhung của nó là một vị thuốc quý”. Dù nửa tin nửa ngờ nhưng bà mẹ ngẫm lại thấy con mình nói có lý đành miễn cưỡng gật đầu.

Truân chuyên

Sau khi trấn an được tinh thần của những người thân, ông gom góp được một ít tiền, thẳng tiến lên Đắk Lắk rồi về sâu các buôn làng tìm mua nai. Chuyến đi đầu tiên thất bại. Lùng sục mãi mà ông không tìm được con nai còn sống nào để mua. Ông kể: “Hồi đó, không riêng gì nai, bất kỳ một loài động vật nào mà dân làng săn được trong rừng đều bị “thịt” cả. Mình đến hỏi, họ đưa tay chỉ những bộ xương khô khốc”. Hai tháng sau chuyến đi đầu tiên, ông lại lặn lội thêm một chuyến nữa nhưng kết quả vẫn là con số không. Theo lời ông kể, ước nguyện tìm được nai sống của ông thành công bắt nguồn từ một cặp vợ chồng người Kinh… không nỡ ăn thịt nai. Chuyện là, nhóm thợ săn trong làng bẫy được hai con nai tơ còn sống, định xẻ thịt để cùng nhau ăn nhậu. Thấy tội, cặp vợ chồng này đã giết một con heo lớn để đổi lấy hai con nai ấy mang về nhà mình. Ông nói: “Khi nhìn thấy được “hàng”, mắt tui như sáng hẳn ra, đặt vấn đề mua lại nhưng thuyết phục mãi vẫn không lay chuyển được tâm ý của đôi vợ chồng này. Họ hứa chỉ bán con nai con đầu tiên sinh ra từ cặp nai mà họ đã đổi bằng thịt heo. Không còn cách nào hơn, tui đành phải lĩnh hội thiện ý của hai vợ chồng, đặt cọc tiền để hôm sau trở lại”. Lần trở lại thứ ba, “may mắn” đã đến với ông (gọi là may mắn vì ông mất “một” mà lại được “hai” – NV). Con nai con mà ông đặt cọc đã bị chết sau khi chào đời. Áy náy do không hoàn thành cam kết ban đầu, hai vợ chồng kia đành bán luôn cả cặp nai mẹ của mình với giá… 2,8 lượng vàng!

Mua được nai, ông mừng khôn xiết, vội vàng thuê người đóng thùng, thuê xe chở về đồng bằng. Hành trình “xuống núi” của hai con nai cũng không ít chuyện buồn cười. Uống một ngụm trà, ông nhìn khách, thủng thẳng: “Giết thịt thú rừng thì hiếm khi bị phát hiện nhưng vận chuyển chúng đi thì quả là khó khăn mặc dù giấy tờ, thủ tục mà tui mang theo khá đầy đủ, hợp lệ… Qua trạm kiểm soát thứ nhất, người ta bắt tui đóng lệ phí mà lúc ấy làm gì có quy định đóng lệ phí cho nai. Để cho hợp lệ, hai bên đi đến thống nhất giải pháp là sử dụng mức giá của trâu, bò để áp giá cho nai! Qua trạm thứ hai, tui bị “cầm chân” gần 4 tiếng đồng hồ chỉ với lý do “chuyên chở động vật hoang dã” mà không đưa ra hướng xử lý cụ thể nào. Trưng ra hết mọi giấy tờ rồi xin xỏ mãi, họ mới cho qua. Chuyến trở về bắt đầu khởi hành từ sáng sớm, đến tận 1 giờ khuya, chân mới chạm được ngõ nhà mình”.

 
 Đoàn chuyên gia nước ngoài thăm cơ sở nuôi nai của ông năm 1995. Ảnh: Văn Lưu

Nuôi nai giữa lòng thành phố, nguồn thức ăn cho chúng là chuyện không dễ dàng. Nhiều năm liền, để duy trì đàn nai hàng chục con ông phải tốn nhiều công sức, thời gian. Không đảm đương xuể, ông nhờ đến vợ, con và thuê những người hàng xóm đi cắt lá, ra chợ thu lượm vỏ trái cây các loại, rau hành phế thải về nhà rửa sạch, để dành cho nai ăn. Có một vị khách nước ngoài khi đến thăm cơ sở của ông, biết chuyện này đã nói vui rằng: Ông Thuận xứng đáng được cấp bằng khen về công tác bảo vệ môi trường!

Tâm huyết

Bây giờ mọi người đều nhất trí cho rằng, ông Thuận đã thật sự thành công với nghề nuôi nai sau quãng thời gian 15 năm miệt mài theo đuổi. Ông đã minh chứng được điều: Con nai sống được với người đồng bằng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm “cực thịnh”, ông thu hoạch được gần cả chục bộ nhung, nặng chừng mười lăm đến hai mươi ki-lô-gam. Tôi nhẩm tính, hiện nay mỗi lạng (1/10 ki-lô-gam) nhung tươi ngâm rượu bán trung bình với giá sáu trăm nghìn đồng. Chừng ấy nhung nai, số tiền thu về khoảng hơn trăm triệu. Nếu bán thêm nai giống, mỗi con giá cũng gần 30 triệu đồng. Quả là một con số trong mơ đối với những người nông dân làm nghề chăn nuôi bình thường. Để kiểm chứng mức lãi suất, tôi hỏi: “Chi phí thức ăn, thuốc men nuôi chúng chắc là tốn kém lắm?”. Ông vội cải chính: “Có tốn gì đâu. Nai là loài động vật dễ nuôi, ăn được nhiều loại thức ăn. Chẳng bao giờ thấy chúng đau ốm. Hôm trước, tôi đọc báo thấy người ta nói về bò sữa bị chậm sinh, vô sinh. Loài nai thì không như vậy. Suốt 15 năm qua, những con nai cái trong đàn năm nào cũng sinh sản bình thường, mỗi năm một con – thu chừng nào, lãi chừng đó”, ông Thuận khẳng định thêm. Bác có tự hào về việc mình đã làm được? Ông khiêm tốn nói: “Tôi tự làm để kiếm kế sinh nhai cho bản thân và gia đình, có gì đâu mà tự hào”. Đoạn ông tiếp lời: “…Nhưng cả nhà tui mạnh khỏe, mập lên nhờ dùng rượu nhung nai gia truyền!

 
 Chuẩn bị cầm máu cho hươu trước khi lấy nhung. Ảnh: Văn Lưu

Có một sự thật, chưa bao giờ ông Thuận bán đàn nai của mình, dù chỉ một con với giá cao cho cánh lái buôn. Ông tâm sự: “Mình tốn công sức gầy dựng được rồi, nếu bán thì bán cho những người cùng tâm huyết may ra còn giữ được, chứ bán trôi bán nổi thì gián tiếp làm tăng nguy cơ… tuyệt chủng loài nai mất”. Tôi thử “trách” ông: “Sao bác không nhân rộng mô hình cho bà con nông dân làm theo. Bác sợ bị mất nghề à?”. Trầm ngâm giây lát, ông nói với giọng buồn buồn: “Tui đã ngoài 60 rồi. Vợ tui cũng đã có tuổi. Con cái đi học ở xa. Tui cố lắm cũng chỉ còn vài ba năm nữa với nghề này. Cách đây gần chục năm, tui đã đề xuất với ngành nông nghiệp địa phương cần phải có kế hoạch nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh nhưng rồi chẳng thấy họ động tĩnh gì cả. Thử hỏi một mình tui, làm sao thực hiện được”. Tôi tiếp: “Giá mỗi con nai con hiện nay khoảng hơn 5 triệu, bà con nông dân kiếm đâu ra đủ tiền để mua?”. Vẫn phong thái điềm tĩnh, ông nhỏ nhẹ nói: “Bây giờ đi mua bò, mỗi con giá cũng gần chừng ấy tiền. Nếu đầu tư được dự án chăn nuôi bò sữa thì sao lại không mạnh dạn đầu tư chăn nuôi nai bởi lẽ nguồn thu mang lại từ nai sẽ cao hơn nhiều”.

 
 Tự mình cắt nhung. Ảnh: Văn Lưu

Để kết thúc bài viết này, xin được trích lời của giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói trong lần vị giáo sư này dẫn các chuyên gia nước ngoài đến thăm cơ sở chăn nuôi của ông Thuận vào năm 1995: “Xin chúc mừng và hoan nghênh anh chị Thuận (vợ chồng ông Vũ Văn Thuận – NV) – hai nhà bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Định. Rất mừng gia đình được sung túc mà xã hội lại có thêm loài động vật quý hiếm (nai) này. Rất mong mọi người được sự giúp đỡ của Nhà nước để phát triển ngành chăn nuôi nai”.