Từ tháng 11/2003, khi đợt ô nhiễm đầu tiên tràn về sông Châu Giang, làng chài Châu Thuỷ (Hà Nam) đã được gọi bằng cái tên "xóm nước đen". Theo dòng chảy của sông Nhuệ và sông Đáy, toàn bộ lượng nước thải của Hà Nội, Hà Tây và các vùng phụ cận đã đổ về đây, gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt. Đến nay, hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn.
Trên thực tế, đã có vài đợt xét nghiệm các chất ô nhiễm, nhưng không có một thông tin chính thức nào về mức độ ô nhiễm đối với tôm cá ở đây, hay những cảnh báo về độ an toàn của chúng. Những lời hứa của các cấp chính quyền về việc cải tạo chất lượng nước vẫn chỉ là những “lời hứa suông”.
Từng là người nuôi cá bị phá sản, nay lại tiếp tục sống bằng nghề chài lưới, anh Nguyễn Văn Khánh, một ngư dân làng chài Châu Thuỷ là người hiểu rất rõ sự ô nhiễm của nước sông qua những con cá mà anh đánh bắt được. Anh Khánh khẳng định: “Cá đánh bắt ở sông Châu Giang chỉ có thể dùng cho gia súc ăn. Tuy nhiên, chợ Pháp Vân nằm ngay bên cạnh làng chài Châu Thuỷ, chợ có bán rất nhiều cá nhưng không hề có sự phân biệt giữa cá cho gia súc ăn và cá cho người ăn”.
Theo GS-TS Đặng Đức Phú, thành viên Hội Sinh thái học, cá vẫn có thể sống được trong nước ô nhiễm là do chúng tự thay đổi để thích nghi với môi trường sống. Tuy nhiên, những chất độc như asen hay các kim loại nặng đã và đang được tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể chúng. Những người ăn loại thực phẩm này, nguy cơ tử vong hay mắc bệnh ung thư sẽ rất cao.
GS-TS Đặng Đức Phú nhấn mạnh: “Những chất độc tích luỹ trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm, vì từ ít nó sẽ tích luỹ ngày một nhiều hơn. Không chỉ bản thân con cá có chất độc, nó còn ăn rong, rêu hay những con ốc làm chất độc tích luỹ trong cơ thể nó ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều khi người ta không thể nhận biết được điều này. Một luật gia người Mỹ cho biết, một nghiên cứu ở San Francisco cho thấy trong cơ thể con cá có tích luỹ một lượng kim loại độc hại. Mặc dù lượng kim loại này dưới mức cho phép rất nhiều lần, nhưng người ta vẫn khuyên không nên ăn những con cá to, chỉ nên ăn những con cá nhỏ và một tuần chỉ nên ăn cá nhiều nhất 2 lần”.
Nhưng đó là khuyến cáo những nhà sản xuất ở San Francisco. Còn tại chợ Pháp Vân, người ta chỉ đưa ra lời khuyên mù mờ: Đó là phải trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Chỉ có điều sự thông thái thì không thể tự có nếu thiếu những thông tin và cảnh báo của các cơ quan quản lý VSATTP.
Trung tâm kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm của Viện Dinh dưỡng là một trong 3 phòng thí nghiệm hiện đại nhất của Việt Nam. Thế nhưng, công việc chủ yếu của Trung tâm chỉ là nghiên cứu những mẫu thực phẩm đã gây ra ngộ độc trên người. Còn sự tìm hiểu đối với những thực phẩm có chứa chất độc hoặc có nguy cơ gây ngộ độc theo kiểu tích luỹ thì lại rất hạn chế.
Trong suốt năm 2006, chỉ có hai lần Viện Dinh dưỡng được giao chủ động tiến hành kiểm nghiệm trước khi thực phẩm gây ra ngộ độc. Và đối tượng nghiên cứu chỉ là những vụ việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận như rau Thanh Trì hay sữa tươi. Còn với tôm cá hay rau quả được bán trên thị trường, mặc dù khả năng gây tích luỹ độc rất cao, nhưng ít được quan tâm.
Câu chuyện về con cá ở sông Châu Giang cho thấy thực tế của sự không minh bạch, không có thông tin rõ ràng về chất lượng của thực phẩm đang được bày bán ở các chợ. Ngay cả giữa những người dân với nhau, giữa người mua và người bán cũng không có sự minh bạch. Còn các cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP, cũng không giúp gì cho việc cải thiện tình trạng không minh bạch này. Cuộc trao đổi giữa PV và bà Lê Thị Hồng Hảo, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Viện Dinh Dưỡng đã cho thấy điều đó: PV: Phải chăng Trung tâm chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những mẫu thực phẩm đã gây ngộ độc, còn với những thực phẩm thông thường chưa gây ngộ độc thì sao? Bà Lê Thị Hồng Hảo: Khi Bộ Y tế hoặc Thanh tra Y tế Cục VSATTP tiến hành kiểm tra và nghi ngờ một đối tượng nào đó nhiễm độc, họ sẽ tổ chức đoàn thanh tra đi lấy mẫu về chúng tôi sẽ tiến hành xét nghiệm. PV: Vậy trong năm nay Bộ Y tế hoặc các cơ quan thanh tra kiểm tra đã bao nhiêu lần gửi mẫu về đây? Có 2 lần, một lần về sữa, một lần xét nghiệm về rau. |
Tất nhiên, người tiêu dùng vẫn còn một cách để tìm hiểu về khả năng gây độc của sản phẩm, đó là tự mang mẫu đến đây để xét nghiệm. Thế nhưng, trên một mẫu thực phẩm, cần phải xét nghiệm hàng chục chỉ tiêu. Mỗi chỉ tiêu có giá 300.000- 400.000 đồng. Nếu muốn có kết quả chính xác, phải xét nghiệm ít nhất 30 mẫu, chi phí sẽ lên đến hàng tỷ đồng. Do vậy, Viện Dinh dưỡng cho rằng, nếu người dân muốn kiểm tra độ an toàn của một loại thực phẩm, họ sẽ phải tính toán xem trong mẫu thực phẩm có loại chất độc gì, thuộc nhóm nào để giới hạn phạm vi xét nghiệm thì mới đỡ tốn kém.
Nhưng có điều, việc xác định những chất độc trong thực phẩm chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và nằm ngoài khả năng của người dân.