Bộ Tài nguyên Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2007 xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó gần 65% là cơ sở sản xuất kinh doanh, còn lại là các bãi rác, bệnh viện và kho thuốc bảo vệ thực vật.
Tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ngày 21/12 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính cho các cơ sở di dời, đồng thời ban hành quy định về 14 ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy phép đầu tư.Nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam, Nam Định cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc di dời hoặc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và môi trường quốc tế. Tuy nhiên theo ông Hà, việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn chậm so với kế hoạch đặt ra.
Các nhà quản lý môi trường cho rằng để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm, thậm chí cưỡng chế các cơ sở chậm khắc phục ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về công nghệ, kỹ thuật, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, tuyển chọn và giới thiệu các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để các cơ sở, địa phương có thể áp dụng.
Các đại biểu cũng kiến nghị các Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đặc biệt – đối với một số đối tượng công ích, các dự án xử lý môi trường tại khu vực tồn lưu chất hóa học trong chiến tranh, tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, dự án xử lý chất thải bệnh viện và đóng cửa bãi rác cũ./.