Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết: có thể hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu do rừng bị phá huỷ với tốc độ lớn, bằng cách trao thưởng hợp lí cho những quốc gia đang phát triển gìn giữ được đất rừng.
Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh rằng diện tích rừng thế giới đang biến mất với tỷ lệ 5%/thập niên, do hiện tượng phá rừng để lấy gỗ và tạo ra những loại hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng như thịt bò, cà phê và đỗ tương. Tuy nhiên, đất sẽ có giá trị lớn hơn nếu rừng được bảo tồn và các quốc gia đang phát triển sẽ được thưởng trên thị trường khí cácbon toàn cầu.
Việc mua bán khí cácbon nằm trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto nhằm chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, cho phép những nước nào không đạt được mục tiêu về giảm lượng khí CO2 công nghiệp sẽ phải trả tiền cho những nước giảm được lượng khí thải này.
Báo cáo cũng cho biết: 1/5 lượng khí thải CO2 là do hiện tượng phá rừng nhưng không được đưa vào các thị trường về khí cacbon, như Chương trình về mua bán khí thải của Liên minh châu Âu. Tại châu Mĩ-Latinh, rừng rậm thường bị phá để biến thành những đồng cỏ chăn nuôi gia súc và tạo ra giá trị 300 đôla/hécta, trong khi thải ra tới 500 tấn CO2/hécta. Điều này có nghĩa là “chi phí tiêu huỷ khí CO2” sẽ nhỏ hơn 1 đôla/tấn. Thông thường, để xử lí hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu cần khoảng 3 đôla để tiêu huỷ 1 tấn cacbon trong khi các thành viên của Liên minh châu Âu hiện tại đang phải chi ra đến 20 đôla cho mỗi tấn cacbon. “Nói cách khác, những người phá rừng đang tàn phá một tài sản có khả năng hút khí cacbon về mặt lí thuyết trị giá từ 1.500 đến 10.000đôla để tạo ra một đồng cỏ trị giá 200-500 đôla/héc ta”.