Theo điều tra thống kê toàn cầu về sinh vật đại dương, một loạt các phát hiện kỳ lạ và thú vị từ khắp bốn biển đã được hé lộ trong năm nay.
Những loài tôm chịu nhiệt thuộc vùng núi lửa, những loài cua lông lá có vi khuẩn và những loài tôm hùm khổng lồ là một vài ví dụ trong số những phát hiện của các nhà khoa học nhằm tìm kiếm các loài sinh vật ở các vùng biển sâu nhất và xa xôi nhất của thế giới.
Những khám phá trên đã đóng góp thêm vào kết quả Tổng điều tra thống kê về sinh vật đại dương. Đây là một dự án nhằm tìm kiếm và ghi chép lại tất cả các sinh vật đại dương, kể cả những loài đã bị tuyệt chủng, kéo dài tới năm 2010. Đến nay, công việc này đã tiến hành được 6 năm với mạng lưới hơn 1.700 nhà nghiên cứu và được thực hiện trên ít nhất 70 quốc gia.
Trong quá trình điều tra thống kê, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những loài sinh vật phát triển mạnh ở những vùng nước biển nóng nhất từng được biết đến. Người ta đã tìm thấy những loài trai và tôm chịu nhiệt sống dọc theo những vết nứt núi lửa, nơi mà nhiệt độ thậm chí lên tới 407oC. Những robot thợ lặn cũng đã phát hiện ra những sinh vật biển ở độ sâu 1,8 dặm (khoảng 3 km) ở Nam Đại Tây Dương và xa khoảng 300 dặm (550km) về phía Nam xích đạo.
Chris German, một thành viên trong đoàn khảo sát từ Trung tâm Hải dương học Southampton của Anh cho biết: “Những động vật này đang sống trong môi trường mà nhiệt độ có thể dao động tăng đột ngột 80oC. Chúng sống gần miệng phun tới chừng nào còn chưa bị luộc chín. Một vài tầng đáy có trai sinh sống đã bị vùi trong dung nham”. Đó là một trong những mối rủi ro đối với các sinh vật khi chúng sống trên đỉnh núi lửa.
Những loài mới to lớn nhất, nhiều lông nhất
Trong số những sinh vật mới được tìm thấy thì loài lớn nhất có thể là tôm hùm đá Palinurus barbarae khổng lồ ở vùng ngoài khơi đảo Madagascar, Ấn Độ Dương. Người ta đã bắt được chúng ở những dãy núi chìm dưới mặt nước, có con nặng tới 9 pounds (4 kg). Một vài mẫu vật thu thập được đã 50 tuổi.
Một loài giáp xác trông xấu xí hơn với những càng đầy lông cũng đã được tìm thấy ở Thái Bình Dương trong cuộc lặn thám hiểm ngoài khơi do Viện Nghiên cứu Hải dương học Vịnh Monterey ở California tiến hành. Nằm ở gần miệng phun thủy nhiệt trên đáy biển ở độ sâu 7.540 feet (2.300 m), loài vật nửa tôm nửa cua mù có màu trắng này trông khác thường đến nỗi người ta đã xếp chúng vào một họ mới Kiwa hirsute và được gán cho cái tên “cua yeti”. Chúng có lông dài phủ đầy càng và chân, trở thành nơi trú ngụ của một loại vi khuẩn vàng. Các nhà nghiên cứu dự đoán loài “cua yeti” này có thể nuôi dưỡng loài vi khuẩn này làm thức ăn hoặc để chống lại tác động nguy hại từ dòng kim loại độc phun ra từ miệng núi lửa.
Khám phá “sâu nhất” trong năm
Cuộc khảo sát sâu nhất đã diễn ra ở độ sâu hơn 3 dặm (5 km) dưới biển Sargasso ở Bắc Đại Tây Dương, nơi các nhà khoa học đã tìm thấy một loạt các loài sinh vật hiếm thấy, thuộc nhóm động vật phù du. Trong số hơn 500 loài được thu thập, có 12 loài có thể là những loài mới.
Còn theo báo cáo của một nhóm điều tra khác, một vi sinh vật lớn khác thường đã được tìm thấy ở độ sâu 14.100 feet (4.300m) ở vùng biển ngoài khơi Bồ Đào Nha. Loài vi khuẩn đơn bào lớn có đường kính tới 1cm (0.4 inch) với chiếc vỏ cứng dạng đĩa này có khả năng chịu áp suất lớn gấp 400 lần so với áp suất trên bề mặt.
Trong báo cáo còn nhắc đến cả một loài giáp xác thời tiền sử được đặt tên là “tôm kỷ Jura” ở vùng biển San hô ngoài khơi Australia. Người ta cho rằng loài này đã tuyệt chủng 50 triệu năm trước.
Loài tôm kỷ Jura (Ảnh: National Geographic) |
Trong khi đó, ở ngoài khơi New Jersey, một tàu khảo sát với công nghệ phát hiện nhờ âm thanh hiện đại nhất đã tìm ra một bầy cá có đến 20 triệu con tập trung đặc kín cả một vùng lớn cỡ chừng đảo Manhattan.
Thám hiểm đại dương trong tương lai
Theo Fred Grassle (Đại học Rutgers, New Jersey) – Trưởng Ban chỉ đạo dự án Tổng điều tra thống kê về sự sống đại dương– thì sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã làm tăng nhanh tốc độ phát hiện ra các loài mới.
“Mỗi cuộc thám hiểm điều tra đã để lộ ra những điều kỳ diệu mới của đại dương, và cùng với sự trở về của mỗi tàu lớn, càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng còn rất nhiều công việc đang chờ đợi các nhà thám hiểm đại dương trong những năm tới đây”.
Còn theo nhà nghiên cứu German (Trung tâm Hải dương học Southampton), những kỹ thuật khảo sát đã được phát triển và thử nghiệm trong suốt 10 năm tiến hành cuộc điều tra cũng có thể giúp ích trong việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác. Những robot lặn mà nhóm của German đã đặt tại các miệng phun thủy nhiệt trong các cuộc thám hiểm cũng được NASA quan tâm và có thể sẽ được sử dụng trong việc nghiên cứu các đại dương ngoài Trái đất. Những robot này được lập trình để lần theo những thành phần hoá học trong nước rồi từ đó tìm ra những vùng có hoạt động của núi lửa ở đáy biển.
Các nhà khoa học nghiên cứu phỏng đoán môi trường sống thủy nhiệt tương tự có thể tồn tại ở nơi nào đó, ví dụ như ở Europa, một vệ tinh của sao Mộc. Người ta cho rằng dưới mặt băng bao phủ của Europa ẩn giấu một đại dương sâu và ở đó hoạt động của núi lửa cũng ảnh hưởng đến đáy đại dương.
Ông German nói: “Nếu đó là sự thực thì chắc chắn ở đó có nhiều năng lượng hoá học và nguồn dinh dưỡng cho sự sống, vậy hà cớ gì chúng ta không thể có những hệ sinh thái ở đó?”
Hiện tại, NASA đang lên kế hoạch tiến hành những thí nghiệm kế tiếp với robot dưới lớp băng ở Bắc cực vào mùa hè tới và như German khẳng định thì “Đó là một phòng thí nghiệm tự nhiên hoàn hảo cho họ”.