Hơn 90% lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất tại làng nghề chưa qua xử lý được thải chung vào đường cống của làng chảy thẳng ra kênh, mương khiến nước ao hồ đen quánh, bốc mùi ô nhiễm quanh các làng nghề.
Dòng kênh “chết”
Dọc tuyến kênh thuộc phường Xuân La nối liền với các mương thoát nước của xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) đang thi công cống hộp. Những đoạn chưa thi công xong, người qua đường có thể nhận thấy những dòng nước đen quánh, sủi bọt ùng ục đang được thải ra từ hệ thống cống thoát nước sinh hoạt thuộc khu Đông, xã Xuân Đỉnh, nơi tập trung số đông các cơ sở sản xuất bánh mứt.
Bà Nguyễn Thị Hương, khu Đông, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm), nói trước kia những tuyến kênh, mương của xã phục vụ tưới tiêu nhưng nay trở thành những dòng kênh “chết”, rác và nước thải đen quánh bốc mùi hôi thối. Theo bà Hương, nguồn nước tại các kênh, mương có màu đen và thối là do nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt bí trong làng chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường TP, chất lượng môi trường tại một số làng nghề đang ở mức báo động. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn. Một số làng nghề như sắt thép Dục Tú (Đông Anh), Xuân Phương (Từ Liêm) nguồn nước thải kéo theo nhiều dầu mỡ và các chất hóa học thải trực tiếp mà không qua xử lý.
Kiểm tra tại những xã này đã xác định hàm lượng COD trong nước thải tại các cơ sở sản xuất luôn vượt chuẩn cho phép 3-4 lần, hàm lượng dầu mỡ lên tới 2,2mg/l so với tiêu chuẩn cho phép chỉ 0,3mg/l. Kết quả khảo sát tại các làng nghề sản xuất thực phẩm, sản xuất gỗ như Liên Hà, Vân Hà cho thấy nước thải có nồng độ BOD vượt tiêu chuẩn tới bốn lần. Hàm lượng chất hữu cơ, nitơ, phốtpho trong nước quá cao khiến nước thải luôn có màu đen, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư xung quanh…
Mua lại nước thải
Phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết hiện Hà Nội có khoảng hơn 80 làng nghề, hộ cá thể chiếm trên 97%, phần đông những cơ sở sản xuất này đều đặt trong khu dân cư. Hầu hết nguồn nước thải sản xuất bị “gom” chung cùng nước thải sinh hoạt dội ra kênh, mương không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào.
Các làng nghề trên địa bàn TP đều đang gặp khó khăn trong quản lý chất thải rắn. Mỗi làng hình thành một đống rác tập trung không chuyển qua các bãi chứa rác thải chung của TP. Ông Tuấn cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý nước thải, rác thải là do các hộ sản xuất ngay tại nhà, hệ thống xử lý không có hoặc rất cũ kỹ.
Ông Tuấn nói trong năm 2007 sở sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra và ký cam kết với các cơ sở sản xuất thực hiện đảm bảo môi trường sạch và có chế tài những trường hợp vi phạm. Những làng nghề sản xuất nhỏ lẻ, sở sẽ kiến nghị TP xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra sông, hồ.
Đối với những làng nghề sản xuất tập trung, qui mô lớn sẽ thực hiện theo phương thức xã hội hóa về xử lý các nguồn ô nhiễm, trên cơ sở TP hỗ trợ vốn hoặc cho vay từ quĩ môi trường để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý, sau đó TP sẽ mua lại nguồn nước thải đạt chỉ tiêu. Sẵn sàng tiếp nhận những sáng kiến, công nghệ xử lý ô nhiễm để áp dụng thí điểm.
Ông Tô Anh Tuấn – giám đốc Sở Qui hoạch kiến trúc Hà Nội – nói trên địa bàn TP đã xác định được 83 cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp với qui hoạch. Đồng thời lên danh mục những ngành nghề phải di chuyển ra khỏi nội thành để đảm bảo yếu tố môi trường.
Trước mắt, tạo quĩ thời gian cho các cơ sở sản xuất này chủ động di chuyển. TP đã xây dựng 18 khu, cụm công nghiệp tập trung phù hợp với qui hoạch, bố trí quĩ đất để dịch chuyển các làng nghề vào sản xuất tập trung. Hết năm 2007, sẽ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.