Nâng cao đời sống của người dân cũng là cách để giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào tài nguyên rừng
Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo được thành lập từ năm 1986 với diện tích 19.000 ha và nay được mở rộng lên 34.995 ha (thiennhien.net). Tuy có tới cả ngàn hécta vùng đệm, có tiềm năng du lịch cao, song VQG Tam Đảo cũng là nơi bị nhiều đe doạ về nạn săn bắn và khai thác gỗ trái phép.
Quanh chuyện về vùng đệm, cũng như nhiều VQG khác của Việt Nam, Tam Đảo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là sự gia tăng dân số nhanh chóng, thiếu đất canh tác, cuộc sống của người dân vùng đệm phụ thuộc nhiều vào việc săn bắt động vật, khai thác lâm sản, lấy măng, củi, chặt phá rừng bừa bãi. Rừng đầu nguồn bị phá hoại nghiêm trọng dẫn đến diện tích rừng hoang, đồi núi trọc ngày một tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do trình độ nhận thức về bảo tồn và bảo vệ môi trường (BVMT) vùng đệm và VQG còn thấp.
Ở Tam Đảo, phụ nữ là nhóm người có vai trò rất quan trọng, chiếm tỉ lệ khá lớn trong dân số của huyện. Đây cũng là lực lượng xã hội rất tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Để gìn giữ và phát triển bền vững môi trường sinh thái vùng đệm và VQG Tam Đảo, phát huy kết quả dự án do Quỹ Môi trường Sida (SEF) tài trợ năm 1999 tại 3 thôn thuộc xã Hồ Sơn, Hội phụ nữ huyện Tam Đảo đã đề xuất và tiếp tục nhận được tài trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình nâng cao nhận thức BVMT và cải thiện đời sống cho phụ nữ các xã trong vùng đệm VQG Tam Đảo”.
Sau một năm thực hiện, dự án đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả như tập huấn và cung cấp tài liệu về BVMT cho gần 200 đại diện các đoàn thể và 500 chị em phụ nữ dân tộc ở các thôn vùng ven rừng thuộc xã Minh Quang, Hợp Châu, Hồ Sơn, Tam Quan. Nội dung tập huấn và tài liệu giới thiệu về giá trị và tầm quan trọng của rừng đối với từng cá nhân và mỗi gia đình, nguyên nhân và thực trạng về môi trường vùng đệm VQG Tam Đảo, vai trò của cộng đồng về việc BVMT, thực trạng và giải pháp phát triển mô hình VAC hệ sinh thái… Để gắn với thực tiễn, chị em còn được tham quan mô hình trồng cây su su – giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao và tham gia các hoạt động như vệ sinh định kỳ đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ thành lập và tổ chức lễ ra mắt 11 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, môi trường. Mỗi câu lạc bộ có 40-70 người tham gia và các hội viên đã trở thành những tuyên truyền viên nhiệt tình về BVMT . Tham gia câu lạc bộ, chị em được giao lưu văn hoá văn nghệ, diễn kịch, viết báo tường, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, đời sống gắn liền với BVMT sinh thái.
Đặc biệt, dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật xây lắp bếp lò cải tiến và hỗ trợ vốn xây dựng 300 bếp đun tiết kiệm củi cho các hộ gia đình và được chị em hết sức ủng hộ. Thông qua việc vận động nhân dân xây dựng bếp không khói, tiết kiệm nhiên liệu, dự án đã góp phần hạn chế việc người dân chặt củi, phá rừng bừa bãi.
Các hoạt động BVMT của dự án đã hình thành nên mạng lưới những người phụ nữ yêu môi trường, vì môi trường để góp phần hạn chế các hành vi phá rừng làm nương rẫy, chặt cây lấy củi, xả rác bừa bãi, săn bắt các loại động vật hoang dã, đốt tổ ong và mang vật liệu dễ cháy vào rừng. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt môi trường ở đây hơn nữa, cần phải nâng cao đời sống của người dân để họ giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ cũng sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển mạnh các dịch vụ tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.