Vi phạm môi trường: Tăng chế tài, xử phạt để răn đe

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng, cần tăng cường chế tài, xử phạt các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà ý thức chấp hành phát luật của các doanh nghiệp còn yếu kém…

Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cùng với các chế tài xử phạt kịp thời, đủ răn đe là hết sức cần thiết. Điều này được khẳng định trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa diễn ra tại Hà Nội.

 
 Rất ít doanh nghiệp phân loại rác thải theo quy trình như thế này! (Ảnh: Trần Vũ)

Năm 2005 và 2006 Bộ TN&MT đã kiểm tra về bảo vệ môi trường (BVMT) tại 90 doanh nghiệp ở 6 tỉnh, TP (Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây và TP Hồ Chí Minh) về việc chấp hành bảo vệ môi trường. Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm chiếm tới… 96,6%!

Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp chủ yếu là vi phạm các quy định về lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (BCĐGTĐMT) hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; vi phạm trong việc xử lý chất thải công nghiệp; vi phạm các quy định về cấp, thu hồi Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Còn năm 2006, Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra BVMT ở một số ”điểm nóng” như lưu vực sông Nhuệ- Đáy, sông Thị Vải, ngành sản xuất hoá chất.

Kết quả, ở lưu vực sông Nhuệ- Đáy qua thanh tra, kiểm tra 135 cơ sở và 8 khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN CCN) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cho thấy, hầu hết các đơn vị đều có những vi phạm về bảo vệ môi trường.

Đối với lưu vực sông Thị Vải, tình hình cũng tương tự khi thanh tra kiểm tra 77 cơ sở sản xuất kinh doanh và KCN nhưng chỉ có 12 cơ sơ có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

 
 Hành động thải khí ra môi trường có thể gọi là ”vứt trộm” cái bẩn của mình ra ngoài! (Ảnh: Trần Vũ)

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trương Mạnh Tiến, Vụ trưởng Vụ Môi trường đánh giá, tình trạng vi phạm pháp luật BVMT đang xảy ra phổ biến thường xuyên trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm.

Nguyên nhân do nhận thức về trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp chưa cao; cơ chế thanh tra, kiểm tra còn nhiều kẽ hở nên doanh nghiệp thườgn tìm cách đối phó và lách luật.

Hơn nữa, việc xử phạt hành chính chưa đủ độ răn đe cần thiết, chưa áp dụng công cụ kinh tế với nguyên tắc ”người gây ô nhiễm phải trả tiền” để buộc các tổ chức cá nhân phải có ý thức chấp hành, tuân thủ quy định về BVMT; công tác quản lý BVMT ở địa phương còn bị buông lỏng; vai trò của chính quyền xã, phường, thị trấn hiện còn nhiều bất cập, số lượng và năng lực cán bộ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra;

Ngoài ra, lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn mỏng, thanh tra thấy nhiều địa phương còn thiếu biên chế- trong khi địa bàn hoạt động rộng, số lượng doanh nghiệp nhiều, các vi phạm pháp luật về BVMT chưa được xử lý kịp thời, chưa được áp dụng các biện pháp mạnh có tính cưỡng chế.

Theo đó, ông Tiến khẳng định, trong tình hình ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn yếu kém thì việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cùng với các chế tài xử phạt kịp thời, đủ tính răn đe là hết sức cần thiết.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT cùng với Bộ Nội vụ thành lập lực lượng cảnh sát môi trường mới đây cũng là một trong những biện pháp ”siết chặt” hành vi vi phạm BVMT hiện nay, như lời Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói nôm na, lực lượng công an xử lý những kẻ ”ăn trộm” các thứ ở ngoài về cho mình. Còn lực lượng CSMT sẽ xử lý những kẻ ”vứt trộm” cái của mình ra ngoài!