Chính phủ Việt Nam hiện nay không chỉ chú trọng đến việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nói chung mà còn rất chú ý đến phát triển bền vững.
Ông Thomas Finkel, Giám đốc Dự án hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước của Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) đã đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đưa vấn đề phát triển bền vững vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình thông qua Chương trình nghị sự 21.
Với tư cách là cố vấn kỹ thuật cao cấp của Chương trình Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, ông T. Finkel cũng đề cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa phát triển công nghiệp, bảo vệ môi trường và vì sức khoẻ của người dân.
Khi hội nhập kinh tế toàn cầu, mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với quốc tế sẽ ngày một bền chặt. Do yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ cần đến những ứng dụng của công nghệ hiện đại trong xử lý hay làm sạch sản phẩm. Ngoài ra, những công ty nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, những người đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và xã hội, cần phải giúp các nhà cung cấp hay nhà sản xuất ở Việt Nam nâng cấp công nghệ, tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Dự án đang được thực hiện tại các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Đắc Lắc và Hưng Yên với mục tiêu hỗ trợ để các địa phương phát triển kinh tế một cách bền vững.
Các khuyến cáo từ dự án: >> Nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có thể đánh mất tính cạnh tranh của mình nếu không tuân thủ việc phát triển bền vững. >> Chính phủ cần chú trọng hơn đến những khu vực chậm phát triển để giúp giảm sức ép lên các trung tâm kinh tế của đất nước. >> Quá trình gia nhập WTO sẽ có những tác động tích cực đối với phát triển bền vững ở Việt Nam. |