Viện Cơ học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đang lắp đặt một trạm phát điện năng lượng gió và Mặt trời tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Đây là trạm phát điện đầu tiên sử dụng bộ nguồn thông minh có thể tự động lựa chọn điện gió hoặc điện Mặt trời.
Trạm phát điện này có công suất thiết kế là 1500 W, lắp đặt ở độ cao 10-15 m. Theo khảo sát, vận tốc gió ở Cù Lao Chàm trung bình là 9-10m/s, rất thuận lợi cho việc xây dựng các trạm phát điện sử dụng năng lượng gió. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bạch Ngọc (phòng Cơ điện tử, Viện Cơ học) – người trực tiếp khảo sát và xây dựng trạm điện này – thì, những lúc vận tốc gió quá thấp, công suất phát điện của máy sẽ rất nhỏ, thậm chí máy không hoạt động. Đây thường là lúc trưa nắng, nguồn năng lượng Mặt trời rất dồi dào. Do đó, việc kết hợp cả hai loại năng lượng tái tạo trên đã khắc phục được hiện tượng phát điện ngắt quãng.
Để có thể kết hợp cả năng lượng gió và năng lượng Mặt trời, Viện Cơ học đã kết hợp cùng Viện Công nghệ thông tin để chế tạo một bộ nguồn thông minh. Bộ nguồn này gồm 2 đầu vào, một đầu là điện từ sức gió, một đầu là điện Mặt trời, đầu ra dùng nạp ắc quy và qua bộ đổi điện để phục vụ người tiêu dùng. Nhờ vậy, hệ thống phát điện luôn hoạt động 24/24h. Dự kiến tới tháng 12 các trạm điện này sẽ được đưa vào hoạt động.
Người dân Cù Lao Chàm hiện chỉ được dùng điện trong khoảng thời gian từ 18h-20h hằng ngày với giá 5.000 một kw/h. Trước mắt, trạm phát điện 1.500 W sẽ được dùng cho các hoạt động văn phòng của UBND xã Tân Hiệp. Để hơn 4.000 dân Cù Lao Chàm được sử dụng điện, cần xây dựng một trạm phát điện năng lượng gió với quy mô khoảng 300 KW kết hợp với trạm phát điện diesel có sẵn.
Trong tương lai gần, Viện Cơ học sẽ tiếp tục xây dựng một trạm điện sử dụng năng lượng gió có công suất 600 KW để giúp người dân Cù Lao Chàm phát triển tiềm năng du lịch và phục vụ sinh hoạt. Khi đó, người dân sẽ chỉ phải trả 2.000-2.500 đồng cho mỗi kw/h và có thể thấp hơn nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước.