Tại nơi sản xuất, giấy ăn vẫn còn vương hóa chất. Từ khâu vận chuyển đến nơi tiêu dùng, lại thêm vô số vi khuẩn…
Công nghệ thô sơ
Bắt đầu vào đến thôn Đống Cao, xã Phong Khê, huyện Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh, mùi lạ xuất hiện. Ông Ngô Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, ai mới vào đây cũng cảm nhận được mùi lạ đó, riêng “thổ dân” vì đã “dạn mùi” nên thấy bình thường. Đó chính là mùi hóa chất tẩy rửa cũng như mùi các tạp chất lẫn vào không khí và nước thải trong quá trính sản xuất các loại giấy, trong đó có giấy ăn”
Người dân Phong Khê chủ yếu sử dụng giấy phế thải từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ đồng nát, họ sẽ tiến hành phân loạ để sản xuất giấy các loại. Những loại giấy trắng như vở học sinh, giấy phôtô…(chủ yếu là giấy do Công ty Bãi Bằng sản xuất) được chọn để tái sản xuất giấy ăn. Công nghệ sản xuất loại giấy ăn là thủ công và đơn sơ nhất. Hàng tấn giấy loại với cơ man các loại mực in và tạp chất bẩn thỉu sẽ được tẩy rửa thủ công bằng xút, javel và clo. Người ta ngâm giấy vào nước hòa tan các hóa chất này trong vài tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra và cho vào máy nghiền (hoặc đánh cho tơi ra thành bột) dùng làm nguyên liệu tái sản xuất. Nguyên liệu này được đưa vào hệ thống máy seo để làm ra những gam giấy to bản, sau đó cắt thành những mảnh có diện tích theo đơn đặt hàng. Người thợ thủ công sẽ cho những mảnh giấy đó vào máy dập để tạo độ xốp cho giấy, rồi đem bán.
Để có một thành phẩm an toàn cho người sử dung, công đoạn tẩy rửa phải được xử lý qua 3 bước với dây chuyền công nghệ hiện đại: tẩy rửa trên sàn nghiêng, phun cô lập bằng nước pha loãng hóa chất, sau đó rửa lại một lần nữa. |
Ông Nguyễn Văn Hợp, giám đốc Xí nghiệp giấy Tiến Thành (Khu công nghiệp Quế Võ, TP Bắc Ninh) cho biết, việc tái sử dụng giấy phế thải để sản xuất giấy ăn thì rất nhiều nơi làm, kể cả ở nước ngoài. Vấn đề nằm ở công đoạn xử lý. Điều đó lý giải vì sao, trên tờ giấy ăn, người dùng thường xuyên thấy có màu lốm đốm, thỉnh thoảng có các chấm đen, các cục nổi lên…Đó chính là các tồn dư của mực in do tẩy rửa chưa hết, vẫn còn nguyên cát sạn và các tạp chất, công nghệ nghiền không chuẩn để đánh giấy phế thải tơi như bột…Theo ông Hợp, nguồn nước được một số hộ gia đình dùng để làm giấy cũng không đảm bảo, chủ yếu là sử dụng nước ngầm không qua xử lý. “Nếu có lúc đưa tờ giấy ăn kia lên mũi, có thể sẽ thấy mùi đặc biệt. Đó là mùi của javel và clo vẫn còn vương vấn”.
Giấy ăn bị “bạc đãi”
Theo ông Ngô Văn Bình, ở xã Phong Khê với 1900 hộ thì chỉ có khoảng 200 hộ sản xuất và khoảng 100 hộ làm các công đoạn gia công, còn lại ngoài công việc nhà nông, người dân còn tham gia kinh doanh, vận chuyển giấy. Vì đâu đâu cũng thấy giấy ăn nên chỉ cần đi một vòng quanh xã cũng đã thấy, giấy ăn ở đây bị “bạc đãi” như thế nào. Giấy ăn được chất hàng đống bên cạnh các bãi tập kết rác thải để chờ vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Giấy ăn được các công nhân vừa cân, vừa bó, vừa cười đùa, làm rơi lả tả, rơi đến đâu nhặt đến đó, bất chấp đất cát bám vào … Tóm l ại, những vi khuẩn có sẵn từ giấy phế thải nguyên liệu chưa được xử lý triệt để vẫn có cơ hội ém sẵn trong giấy ăn; thêm vào đó là những vi khuẩn mới bám theo từ nơi sản xuất, vận chuyển; rồi đến các quán ăn, với cách bày biện trần trụi, đẩy qua đưa lại hết bàn nọ sang bàn kia….
Những ai có râu sẽ thấy giấy ăn “nội” bất tiện như thế nào: khi lau miệng, thể nào các mủn giấy cũng sẽ lưu lại trên mặt các “khổ chủ”, bám trên các sợi râu. Hiện tượng giấy dễ mủn cũng là hệ lụy của việc tẩy rửa không tốt dẫn đến độ kết dính của bột giấy không cao. Ông Hợp cho biết, cũng có thể xử lý hiện tượng này bằng cách bổ sung keo bền. Nhưng vì giá bán các loại giấy ăn thường rất rẻ nên các hộ sản xuất chẳng buồn gia giảm thêm keo bền. Thế nên mới có chuyện chưa lau sạch thức ăn thì mặt người đã đọng đẩy mủn giấy.