Hà Tây: Hoang mang ở "làng thạch tín"

Trong 10 năm trở lại đây số người chết do bệnh ung thư ở thôn Thống Nhất (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây) đã lên đến 22 người (chủ yếu từ 42 – 55 tuổi). Có dòng họ có 8 người chết, thậm chí có gia đình có 3 người con đều chết vì ung thư!

Đặt chân đến thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (Ứng Hòa – Hà Tây), chúng tôi dễ dàng nhận thấy bầu không khí hoang mang, còn khuôn mặt người dân luôn mang nặng nét sợ hãi về tai họa bệnh ung thư có thể đổ ụp xuống bất cứ gia đình nào. Lâu lâu người dân Thống Nhất lại tiễn đưa láng giếng hay người thân sang thế giới bên kia vì căn bệnh ung thư.

70% người chết do mắc bệnh ung thư

Ở trong vùng, thôn Thống Nhất như một ốc đảo do nằm tách biệt với xung quanh bởi 3 nhánh của dòng sông Nhuệ và cũng chính vì vậy, từ bao đời nay, người dân thôn Thống Nhất chỉ biết trông vào con sông này để lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Nhiều năm trở lại đây, sông Nhuệ cũng như sông Thị Vải ở phía Nam là nơi chứa nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của cả một vùng (Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam) ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, vì vậy, người dân chỉ còn biết lấy nước giếng khoan, ao tù dùng cho sinh hoạt, tuy nhiên nguồn nước ngầm của giếng khoan, ao tù cũng lại ngấm từ… sông Nhuệ.

Bên bờ sông Nhuệ, chúng tôi tận mắt thấy cảnh cá chết phơi bụng lập lờ trên mặt sông, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả vùng, đi cách xa gần 1 km vẫn còn ngửi thấy mùi. Hai bên bờ sông, sát mép nước đục ngầu, cỏ dại cũng chẳng thể sống nổi.

Cùng với bầu không khí ô nhiễm, nhiều người dân chúng tôi được tiếp xúc đều bị lở loét chân tay, thậm chí cả trên mặt. Chị Nguyễn Thị Hới (có người thân mất vì ung thư), cho hay, cứ mỗi vụ cấy là người dân trong thôn lại khổ sở vì những vết lở loét do cả ngày phải tiếp xúc với nước ở ruộng được bơm lên từ sông Nhuệ.

Ông Nguyễn Ngọc Tựa, cán bộ UBND xã Đông Lỗ, cho biết bệnh tật như vậy nhưng người dân vẫn phải lấy nước sông Nhuệ tưới rau xanh và hậu quả là tỉ lệ người bị bệnh đường ruột và ngộ độc liên tục gia tăng. Thậm chí, theo người dân thôn Thống Nhất, rau được trồng ở địa phương, khi nấu chín ăn vẫn thấy đắng ngắt. Cũng theo ông Tựa, chỉ từ năm 2000 đến nay, đã có 7 người chết do bị ung thư, chiếm 33% tổng số người chết của thôn Thống Nhất. Còn nếu tính trong 10 năm trở lại đây, số người chết do bị ung thư đã lên đến 22 người (chủ yếu từ 42-55 tuổi), chiếm 70% số tử vong cả thôn (30 người). Ông Tựa tâm sự, số người mắc bệnh ung thư chắc còn nhiều hơn vì 90% hộ gia đình trong thôn đều làm nghề nông, với mức thu nhập thấp, nhiều người biết mình đau yếu nhưng cũng bấm bụng chịu vì lo bữa ăn còn chật vật, lấy đâu ra tiền đến bệnh viện.

Tai họa chưa dừng lại ở đây, khi căn bệnh ung thư lại thường tập trung vào một số gia đình, dòng họ. Nhiều người phải bán hết của cải, vay mượn khắp nơi chạy chữa cho người thân. Điển hình là dòng họ Phạm Văn đã có 8 người chết vì ung thư với nhiều loại bệnh khác nhau như ung thư phổi, gan, dạ dày, họng… Thậm chí có gia đình mất cả 3 người con hoặc có những người mất cả bố lẫn mẹ, em mất chị, mẹ mất con, ông mất cháu… chỉ vì ung thư. Anh Phạm Văn Giang, một người dân trong thôn, kể tháng 6 – 2000, sức khỏe của mẹ anh giảm sút, đưa đến Bệnh viện K (Hà Nội) kiểm tra thì phát hiện bị ung thư vòm họng. Sau 15 ngày về nhà, mẹ anh qua đời (mới 44 tuổi). Sáu tháng sau, lại đến lượt bố của anh Giang cũng qua đời bởi căn bệnh ung thư dạ dày khi ở tuổi 52…

Thạch tín trong nước sinh hoạt

Trước tình trạng bệnh tật phổ biến, cuối năm 2005, UNICEF và Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Tây đã về xã Đông Lỗ lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước giếng khoan của hơn 100 hộ gia đình. Kết quả xét nghiệm cho thấy, gần 60% các mẫu có thạch tín (asen) đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần (thường từ 5 đến 6 lần).
Điều đặc biệt, theo chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Đoàn Phúc Đình, những giếng nước khoan càng sâu thì độ nhiễm thạch tín càng lớn.

Trước sự hoang mang của người dân, chính quyền địa phương đã phải vận động người dân thôi sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt bằng nước mưa, giếng đào hoặc xây dựng các bể lọc nước. Với bể lọc đúng quy cách có thể xử lý được tới 90% thạch tín trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Đình, hầu hết các hộ dân đều không thể xây dựng các bể lọc nước theo đúng tiêu chuẩn. Nếu như yêu cầu của bể lọc là có lớp than củi hoặc một số chất liệu khác ở dưới thì người dân chỉ có thể có lớp cát nhằm lấy ít nước trong mà thôi. Nguyên nhân của việc này theo ông Đình là do khó khăn về kinh tế của người dân, cũng chính vì vậy, chỉ có khoảng 20% trong số 250 hộ trong thôn có đủ tiền để xây bể lớn chứa nước mưa (2-3 triệu đồng/bể).

Hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư tại thôn Thống Nhất có phải do sử dụng nguồn nước ô nhiễm thạch tín hay không nhưng theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, bộ môn da liễu, Trường Đại học Y Dược TPHCM, có hai yếu tố tạo điều kiện cho sự khởi phát ung thư da, thường gặp nhất là tia tử ngoại và thạch tín. Theo bác sĩ Minh, thạch tín là một chất rất độc, nếu sử dụng liều cao có thể gây chết người. Trong nông nghiệp, hiện nay thạch tín vẫn được sử dụng trong thuốc trừ sâu, đã có một số trường hợp bệnh nhân phong sử dụng thuốc trừ sâu bị ung thư da, có thể do tiếp xúc qua tay hoặc hít phải.

 Sử dụng nước thạch tín sẽ bị ung thư

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), việc sử dụng nước nhiễm thạch tín về lâu dài cũng gây nguy cơ ung thư cao hơn bất cứ một chất gây ô nhiễm nào khác có trong nước. Hằng ngày sử dụng nước với mức nhiễm thạch tín thấp cũng gia tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang, phổi và da, và nếu mức ô nhiễm cao thì sẽ vô cùng độc hại. Trong khi việc loại bỏ chì khỏi nước tương đối dễ thì việc loại bỏ thạch tín khó khăn hơn và tốn kém hơn. Phần tử này xâm nhập vào hệ thống cấp nước từ các lớp trầm tích tự nhiên dưới lòng đất hoặc thông qua ô nhiễm nông nghiệp hay công nghiệp.