Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ

9 giờ 12 phút tối 23/3/1989, chiếc tàu chở dầu Exxon Valdez rời cảng dầu Valdez, Alaska (Mỹ), mang theo 200 triệu lít dầu thô tới Long Beach, California. Con tàu này đã vướng vào dải san hô Bligh, làm khoảng 40 triệu lít dầu thô đã tràn ra vùng eo biển nguyên sơ Prince William, gây nên thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đến nay, các nhà bảo tồn học vẫn đang lên tiếng cảnh báo rằng, ký ức về vụ Exxon Valdez đang mờ dần trong tâm trí mọi người.

Trong vòng 12 năm trước đó, kể từ khi đường ống dầu được đưa vào hoạt động, hơn 8.700 chuyến tàu đã ra vào cảng an toàn. Nhưng đêm ấy, con tàu dài 300m này đã gặp phải băng trôi. Thuyền trưởng Joe Hazelwood, trước đấy có trót làm vài ly rượu, đã ra lệnh cho lái tàu đi vòng quanh các tảng băng. Sau khi ra chỉ thị lúc nào đưa tàu về đường vận tải, Hazelwood trở về khoang riêng của mình.

Đấy là một sai lầm trầm trọng. Lái tàu không thể nào đưa Exxon Valdez trở lại được đường vận tải. Sau khi xuất phát được 3 giờ, con tàu vướng vào dải san hô Bligh, làm vỡ 8 trong số 11 thùng dầu chở trên boong. Khoảng 40 triệu lít dầu thô đã tràn ra vùng eo biển nguyên sơ Prince William, gây nên thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ: 2.250 km bờ biển tràn ngập dầu!

15 năm sau, du khách đến đây không còn thấy bất cứ dấu vết nào của thảm họa ngày xưa nữa, nhờ công sức của hơn 10.000 công nhân, 1.000 tàu thuyền và 100 máy bay các loại. Tuy vậy, thảm họa tàu Exxon Valdez với mức độ huỷ hoại môi trường mà nó gây ra vẫn hết sức nghiêm trọng. Eo biển Prince William là nơi cư trú của rất nhiều sinh vật hoang dã: chim, cá voi, cá hồi, rái cá và đại bàng đầu trọc. Vùng biển này có phong cảnh cực kỳ nên thơ, với hàng ngàn kilomet bờ biển khúc khuỷu. Vậy mà dầu đã tràn sâu vào bãi biển đầy đá cuội – vì thảm họa xảy ra trong một eo biển chứ không phải trên biển khơi nên ảnh hưởng của nó lớn hơn nhiều – một lượng dầu khổng lồ tràn ra và làm nhiễm bẩn tất cả mọi thứ tiếp xúc với nó.

Phản ứng ban đầu đối với vụ tràn dầu không khác gì hạt muối bỏ biển. Trong ba ngày đầu tiên, 40 triệu lít dầu đã lan rộng khắp vùng biển bằng phẳng, yên tĩnh này. Mặc dù vẫn có cơ hội vớt bớt dầu trước khi “thuỷ triều đen” chạm bờ biển, gần như không ai bắt tay làm gì để ngăn chặn làn sóng dầu. Khi có bão, dầu bị đánh tung lên bờ biển. Mặc dù một đội quân hùng hậu đã được điều động, cùng với 2,1 tỷ USD đã được chi cho công tác làm sạch dầu, thảm hoạ đã phát huy tác hại ngay chỉ trong vài ngày đầu. Gail Phillips, Giám đốc điều hành Hội đồng Quản trị Tràn dầu Exxon Valdez, cho biết: “Tôi cực kỳ khó xử khi không có đủ can đảm để đốt cháy con tàu. Nếu xét đến số tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và những thiệt hại đối với môi trường, đốt tàu là giải pháp rẻ nhất.”

Chịu trách nhiệm giám sát việc khôi phục hệ sinh thái eo biển Prince William, Hội đồng Quản trị Tràn dầu Exxon Valdez đã được thành lập năm 1991, trên cơ sở số tiền 1 tỷ đô la mà Exxon phải bỏ ra để đền bù thiệt hại. Cho đến nay, Hội đồng đã chi hết 750 triệu đô la. Trong những năm đầu tiên, Hội đồng tập trung mua đất nhằm đảm bảo cho môi trường sống quan trọng của các loài bị tổn thương không bị huỷ hoại thêm nữa do hoạt động lấy gỗ hoặc xây dựng. Những năm tiếp theo, họ chuyển sang các dự án khôi phục, đặc biệt là chương trình nghiên cứu nhằm thu thập thông tin về hệ sinh thái biển trong khu vực. Phillips nói: “Mục tiêu đầu tiên của kế hoạch khôi phục là đảm bảo sao cho tất cả các nguồn tài nguyên được trở lại như trước khi xảy ra sự cố tràn dầu. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng tôi không có cơ sở dữ liệu chính xác – không ai biết chính xác có bao nhiêu cá voi, rái cá hay vịt trời ở trong eo biển.”

Môi trường trên bề mặt eo biển Prince William đã trở lại bình thường. Sinh vật hoang đã sinh sôi nảy nở trở lại. Hầu hết các ngư nghiệp thương mại hoạt động tốt. Ngay cả du lịch cũng đã bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn gần hơn, bức tranh vẫn còn đôi chút u ám. Tại những vùng xa xôi nhất trong khu vực, vệt dầu nằm sâu vài gang tay dưới lòng đất vẫn tiếp tục rỉ ra biển, tồn tại dưới dạng túi nằm rải rác trên bờ biển.

Trong số những loài chưa có dấu hiệu hồi phục trong khu vực có cả chim lặn gavia, hải cẩu, vịt hề và cá trích Thái Bình Dương. Rái cá biển là loài chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng của dầu ngầm, bởi vì nguồn thức ăn của chúng là ngao và sò sống trong bùn. Ngao sò có thể không bị ô nhiễm, nhưng rái cá sẽ bị dính dầu vào lông, đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức mới gột sạch được. Jeep Rice, nhà khoa học chịu trách nhiệm theo dõi môi trường sống tại eo biển Prince William, cho biết: “Hiện tượng này giống như bị cúm ba lần một năm chứ không phải là chỉ một lần. Chúng ta sẽ ngày càng yếu đi và ăn uống kém hơn. Mỗi ngày, rái cá biển ăn một lượng thức ăn tương đương với 25% trọng lượng cơ thể của chúng. Nếu con số này giảm xuống mức 15% trong vòng mười ngày, chắc chắn chúng sẽ chết”.

Điều đáng nói hơn là gần đây,  các nhà khoa học đã tìm thấy cytochrome P450, chất có trong các sản phẩm xăng dầu, với mức độ rất cao trong cơ thể chúng. Rice nói: “Khi tìm thấy chất này cách đây ba – bốn năm trong cơ thể rái cá biển và vịt hề, nếu biết đích xác nó là cái gì, chắc hẳn chúng tôi đã tham gia dọn dẹp bãi biển sớm hơn. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa xác định được loại chất độc này. Đến tận năm 1992, chúng tôi vẫn chưa thấy hậu quả nghiêm trọng nào do dầu gây ra cả.”

Không ai nhìn thấy hết quy mô của vụ tràn dầu. Phillips cho biết: “Vào thời điểm đấy, chúng tôi không có bất cứ trạm phản ứng tràn dầu nào. Chúng tôi không có tàu ngăn dầu hay phao nổi để chặn tràn dầu cho một con tàu cỡ lớn. Có quá nhiều thứ mà chúng tôi chưa chuẩn bị kịp. Mọi người không chú ý gì đến việc vận chuyển một lượng dầu nhiều đến thế qua một vùng biển nguyên sơ. Chẳng ai tưởng tượng được là thảm họa lại có thể xảy ra.”

Ngày nay, công nghiệp vận tải dầu được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tàu chở dầu phải có hai lớp vỏ. Kế hoạch cấp cứu phải được duyệt thường xuyên. Tại thành phố Valdez, tàu chở dầu phải chịu sự hướng dẫn của tàu kéo cho đến khi vào được vùng nước sâu. Nhưng nhiều nhà bảo tồn học đang lên tiếng cảnh báo rằng ký ức về vụ Exxon Valdez đang mờ dần trong tâm trí mọi người. Kế hoạch mở khu Di tản Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực để thăm dò dầu, vốn bị gác lại sau vụ tràn dầu Exxon Valdez, nay lại được đặt ra. Khi xảy ra thảm họa tràn dầu, nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã nhận thức được về những thảm họa tiềm tàng mà hành động khai thác dầu khí bừa bãi có thể gây ra. Giờ đây, 15 năm sau thảm hoạ, cuộc săn tìm dầu khí của Nhà Trắng đang đi ngược lại những chính sách đặt ra sau khi tàu Exxon Valdez bị đắm.

Vì xảy ra tại một vùng biển nguyên sơ, vụ tràn dầu năm 1989 đã trở thành mẫu nghiên cứu cho tất cả các vụ tràn dầu. Các nhà khoa học đã có thể xác định được hậu quả lâu dài của dầu đối với quá trình tăng trưởng và khả năng tử vong của thiên nhiên. Bài học ngày xưa vẫn còn như rất mới, bởi hậu quả của nó vẫn chưa chấm dứt sau 15 năm.


Các sự cố tràn dầu lớn trên thế giới

15/12/1976, vịnh Buzzards, bang Massachusetts, Mỹ: Tàu Argo Merchant va vào đất liền và vỡ tại đảo Nantucket, làm tràn 7,7 triệu gallon dầu.

16/3/1978, biển Portsall, Pháp: Siêu tàu chở dầu Amoco Cadiz làm tràn 68 triệu gallon. Đây là thảm họa tàu chở dầu lớn nhất thế giới.

3/6/1979, vịnh Mexico: Giếng dầu thăm dò Ixtoc 1 bị vỡ, tràn ra khoảng 140 triệu gallon dầu thô ra biển. Tuy vậy, ảnh hưởng về mặt môi trường của vụ này không lớn lắm.

1/11/1979, vịnh Mexico: khoảng 2,6 triệu gallon dầu tràn ra biển khi tàu Burmah Agate va chạm với tàu chở hàng Mimosa.

23/3/1989, eo biển Prince William, Alaska, Mỹ: Tàu chở dầu Exxon Valdez va vào rặng san hô và làm tràn 10 triệu gallon dầu vào nước biển, gây nên vụ tràn dầu nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ.

19/12/1989, biển Las Palmas, đảo Canary: Nổ siêu tàu chở dầu của Iran Kharg-5, làm tràn 19 triệu gallon dầu thô ra biển Đại Tây Dương.

8/6/1990, biển Galveston, Texas, Mỹ: Tàu mega Borg khiến 5,1 triệu gallon dầu tràn ra biển sau khi xảy ra một vụ nổ trong phòng bơm.

 25/1/1991, nam Kuwait: Trong chiến tranh vùng Vịnh, Iraq cố tình bơm khoảng 460 triệu gallon dầu thô vào Vịnh Ba Tư.

10/8/1993, vịnh Tampa: Xà lan Bouchard B155, tàu chở hàng Balsa 37 và xà lan Ocean 255 va vào nhau, làm tràn khoảng 336 gallon dầu.

8/9/1994, Nga: Đập chứa dầu bị vỡ, làm tràn dầu vào phụ lưu sông Kolva. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính vụ này làm tràn khoảng 300 triệu lít dầu, trong khi Nga chỉ thừa nhận có 15 triệu lít.

15/2/1996, biển xứ Wales: Siêu tàu chở dầu Sea Empress va vào đất liền tại vịnh Milford Haven, làm tràn 70 triệu lít dầu thô.

12/2/1999, bờ biển Đại Tây Dương thuộc Pháp: Tàu chở dầu Erika bị vỡ và chìm ngoài khơi Britanny, làm tràn 3 triệu gallon dầu nặng.

18/2/2000, ngoài khơi Rio de Janeiro, Brazil: Đường ống dẫn dầu bị vỡ, làm tràn 343,200 gallon dầu nặng vào vịnh Guanabara.