Năng lượng hạt nhân có thể bảo vệ chúng ta trước nguy cơ nóng lên toàn cầu hay không? Có thể là có. Nhưng đổi lại, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như hàng nghìn tấn chất thải hạt nhân được tạo ra mỗi năm, hiểm hoạ vũ khí hạt nhân tăng nhanh, tạo cơ hội cho những kẻ khủng bố có thể tiếp cận với nhiều dạng vật liệu hạt nhân khác nhau.
Đó là kết luận của Giáo sư Rodney Ewing ở trường ĐH Michigan. Ông đã phân tích để tìm ra lượng năng lượng hạt nhân cần có để có thể giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn thế giới cũng như mối liên quan của nó đến số lượng nhà máy điện hạt nhân đang ngày càng gia tăng.
Ông cho rằng: “Con người thường nói đến năng lượng hạt nhân như là một giải pháp cho hiện tượng hiệu ứng nhà kính, còn các vấn đề như gia tăng chất thải hạt nhân và vũ khí hạt nhân chỉ được xem là phần chú thích nhỏ trong các buổi thảo luận. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm cách xem xét toàn bộ bức tranh khi lựa chọn các nguồn năng lượng”.
Với nỗ lực nắm bắt được toàn cảnh bức tranh, R.Ewing đã so sánh các nguồn nhiên liệu có xuất xứ từ hóa thạch carbon với năng lượng hạt nhân, không chỉ trên khía cạnh công nghệ mà cả ở mức độ tác động đến môi trường. Ông cũng đã làm các so sánh tương tự giữa các hệ thống sản xuất năng lượng khác nhau. “Đối với năng lượng hạt nhân, phương pháp phân tích này khó có thể đưa ra kết quả bởi có quá nhiều loại máy phản ứng và không hề tồn tại chu trình nhiên liệu hạt nhân duy nhất mà có rất nhiều biến thể khác nhau với nhiều chiến lược tái xử lý, loại bỏ rác hạt nhân”.
Khi cân nhắc tới nhiều chu trình nhiên liệu khác nhau thì thấy rằng, để giảm được đáng kể sự phát thải các khí nhà kính cần phải tăng sản xuất năng lượng hạt nhân thêm từ 3 – 10 lần so với mức hiện tại R. Ewing nói: “Hiện tại trên toàn thế giới có khoảng hơn 400 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và chúng ta sẽ phải cần đến 3500 nhà máy hạt nhân.”
Như thế theo ông, việc phát triển những kĩ thuật hạt nhân cần thiết và xây dựng thêm nhiều nhà máy là một vấn đề lớn, có thể sẽ kéo dài hơn 50 năm và với thời gian đó, các chuyên gia cho rằng chúng ta có đủ thời gian để tiến gần đến giải pháp cho vấn đề nóng lên toàn cầu.
Cho dù các nhà máy hạt nhân có thể được xây dựng và vận hành một cách nhanh chóng thì hàng năm chúng cũng sẽ thải ra hàng chục nghìn tấn chất thải hạt nhân. Khối lượng chất thải tạo ra hàng năm này ngang với sức chứa dự tính hiện tại của bãi chứa dưới núi Yucca – vị trí chôn lấp được đề xuất và nghiên cứu hơn 2 thập kỷ qua tại bang Nevada.
Plutonium là sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân và cũng là mối lo ngại vì có khả năng được sử dụng trong vũ khí hạt nhân. “Không hẳn ai cũng nghĩ đến điều này, nhưng với tôi, sự bùng nổ vũ khí hạt nhân tác động rất mạnh mẽ đến môi trường. Một vũ khí hạt nhân thông thường sẽ giết chết hàng trăm nghìn người và tác động toàn cầu của nó có thể so sánh với vụ nổ phóng xạ nguyên tử nổi tiếng Chernobyl”, Giáo sư Ewing nói.
Vì vậy, Giáo sư Ewing cho rằng, câu hỏi đặt ra cho chúng ta thực chất là: “Plutonium hay Carbon, nên chấp nhận vấn đề nào? Tôi không có câu trả lời nhưng tôi nghĩ những quan điểm tôi đưa ra rất cần phải được xem xét”.