Từ thông tin xác cọp ướp lạnh cùng những huyền thoại về cao hổ cốt được rao bán với giá trên trời, PV báo Pháp luật TP HCM đã thâm nhập vào đường dây mua bán cọp. Gần một tháng trời lặn lội trên những ngóc ngách khu vực biên giới Tây Ninh, chúng tôi phát hiện không chỉ một mà có ít nhất năm đường dây mua bán cọp.
Vào cuộc
Qua một đại gia có sở thích dùng hàng độc để ngâm rượu, tôi liên lạc với Long – nhà cung cấp tay gấu, nhung hươu rừng, cao hổ cốt.
Sắm vai là thư ký giám đốc một doanh nghiệp lớn cần mua cho sếp một con cọp sống để nấu cao, tôi hẹn gặp Long. Đúng hẹn, tôi đến quán bánh canh ở ngã ba Tràng Bàng (Tây Ninh).
Dù biết tôi là bạn của khách hàng sộp, Long vẫn thận trọng hỏi xin tôi tấm danh thiếp. Sau một hồi xem xét tấm danh thiếp giả mà tôi đã chuẩn bị từ trước, Long hẹn tôi hai hôm sau sẽ đưa tôi đi gặp người cung cấp cọp từ Campuchia sang.
Đến hẹn, tôi và Long dong xe về hướng núi Bà Đen. Qua khỏi cổng vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng, Long dừng lại trước một quán nhỏ, đưa chìa khoá xe của tôi và anh ta cho chủ quán.
Sau đó, chúng tôi xuống đò qua xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu (Tây Ninh), cách biên giới Campuchia chừng 30 km, Long ghé vào một quán nước.
Tại quán đã có một người đàn ông lái xe chờ sẵn đưa chúng tôi đến quán nước khác cạnh ngã ba Suối Ngô (huyện Tân Châu, Tây Ninh).
Tại đây, Long giới thiệu tôi với Keo Thây, người cung cấp cọp và Kim Kiry, người chuyên săn cọp. Ngoài ra còn có ông Sầm Bót, người có khả năng đặc biệt chuyên đánh hơi những khu rừng có cọp.
Muốn mấy ông cũng có
Keo Thây đậm người, bề ngoài khá phúc hậu, sống ở tỉnh Svay Riêng, giáp biên giới Tây Ninh. Anh ta nói tiếng Việt chậm nhưng khá rõ: “Long nói ông cần khla (cọp – tiếng Campuchia) mà mấy con? Sống hay chết?” Tôi đẩy đưa: “Mình với vài ông bạn định mua một con nấu cao biếu sếp và chia nhau xài”- “Mấy ông cũng có, thằng Kiry sẽ lo”.
Dừng một lúc, Keo Thây gợi ý:
– “Nấu cao ông có xài xương không? Xương dễ chở, giá cũng được mà có sẵn”.
– “Cái này tôi phải hỏi lại mấy ông bạn” – tôi nói, cố tỏ ra phân vân.
– “Xương thì giá bao nhiêu, mà có chắc là xương thiệt không?”
– Keo Thây nhìn thẳng vào tôi:
– “Bảo đảm xương thiệt, có đủ bộ hẳn hoi. Tôi xếp thành bộ cho xem”. Nói xong , Keo Thây quay sang Kim Kiry tuôn ra một tràng tiếng Campuchia. Kim Kiry nổ máy xe chạy đi.
Một lúc sau, Kim Kiry trở lại, lôi trong ba lô quân đội ra ba khúc xương cọp Keo Thây chỉ cho tôi xem đặc điểm xương chân trước cọp có vòng xoắn, đầu xương chân sau có điểm khuyết hình trái tim, đầu trong xương sườn bẹt ra như hai lá cây chụm cuốn vào đầu xương và vết xoắn giữa xương sườn, v.v…
Anh ta giải thích: “Xương sườn thú rừng xếp xuôi nhưng cọp thì xương sườn ngang nên đầu xương sườn bẹt ra gắn gần như vuông vào xương sống”.
Keo Thây nói: “Đây là xương đã sấy khô. Nếu giao tại đây thì 2.000 USD/kg, giao ở Dương Minh Châu hay Tràng Bàng thì 2.200 USD. Không mắc đâu. Cọp 100 kg lấy được 17 kg xương, sấy khô mất bốn phần, còn hơn 10 kg.
Hỏi về giá cọp sống, Keo Thây nói chắc như đinh đóng cột: Cọp dưới 50 kg thì ba triệu đồng Việt Nam/kg, trên 50 kg thì 3,5 triệu đồng, giao tại Tây Ninh, chỗ nào do anh chọn, cân rồi tính tiền.
Keo Thây khoe ba ngày nữa sẽ đưa qua Tây Ninh một ông cọp 69 kg. Thây nhấn mạnh chữ ông một cách trân trọng. Khi tôi ngỏ ý muốn xem ông cọp mà Thây vừa nói, anh ta từ chối nhưng lại nói: “Bốn ngày nữa tôi cho người đem tới anh ảnh ông cọp này. Nếu anh chịu, tôi sẽ giao cho anh luôn. Tôi tìm ông khác cho khách của tôi”.
Tôi cò kè và gút lại mức giá 2,9 triệu đồng/kg, giao tại Tràng Bàng, địa điểm hai bên sẽ báo nhau sau. Long sẽ được huê hồng 15% số tiền mà tôi trả cho Keo Thây. Khi chia tay, Thây nói thêm: “Long sẽ chịu trách nhiệm. Cân xong anh mới phải trả tiền. Không cần đặt tiền trước”.
Bốn ngày sau, quả nhiên Keo Thây điện thoại hẹn tôi tại Tây Ninh và cho người giao cho tôi những bức ảnh chụp “ông khla” 69 kg vừa từ Campuchia chuyển sang. Tôi kiếm cớ chê “ông khla” này còn nhỏ so với yêu cầu của tôi, Keo Thây hứa với tôi sẽ tìm “ông khla” khác.
Mùa nào cũng có
Qua Long, tôi tiếp xúc với khá nhiều đường dây mua bán thú rừng ở Tây Ninh, đầu mối nào cũng có mối bán cọp từ Campuchia.
Có điều một số đầu mối không đủ tiền và không thường xuyên có khách hàng mua đứt bán đoạn. Có ít nhất năm đường dây có đủ vốn, đủ hàng. Những đầu mối này hoạt động độc lập nhưng hỗ trợ nhau rất hiệu quả.
Khi có khách hàng, các đầu mối điện thoại cho nhau. Từ Tây Ninh, các nhóm mua bán đặt hàng với các thợ săn người Campuchia ở tỉnh Svay Riêng hoặc Kom Bông Chàm (hai tỉnh Campuchia giáp Việt Nam).
Từ đây điện thoại lại được nối đến tận tỉnh biên giới U đôn Miên Chay (của Campuchia giáp Thái Lan), hoặc tỉnh Mon Đun Kiry (giáp với Lào).
Đây là hai vùng còn nhiều rừng rậm có khá nhiều cọp. Sau đó người có khả năng đánh hơi những khu rừng có cọp như Sầm Bót, những người chuyên bắt cọp như Kim Kiry cùng xuất phát mở những cuộc săn.
Khi phía Campuchia có hàng cũng sẽ thông báo cho các đường dây tiêu thụ ở Tây Ninh để tìm khách hàng. Người tìm được khách được hưởng 15% giá mua, người bán được hàng được hưởng 15% giá bán của các thợ săn Campuchia.
Cứ như vậy, họ bọc lót, giữ bí mật cho nhau, địa điểm giao hàng và chuyển hàng thay đổi linh hoạt với mắt xích kẻ làm tiền trạm, người giữ điểm, kẻ làm liên lạc một cách an toàn.
Và chỉ sau một đêm, những chúa sơn lâm từng hùng cứ một vùng bị sụp bẫy hoặc bị trúng đạn từ bên kia biên giới sẽ được ướp đá trong thùng nhựa, vượt hàng trăm cây số đưa về Dương Minh Châu, Tràng Bàng.
(Còn tiếp)