Nhận thức về giá trị của kiến thức bản địa, đặc biệt là khả năng đóng góp của nó vào phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo, đang dần được nâng cao ngay tại thời điểm mà những kiến thức này đang trong tình trạng bị đe doạ ở mức chưa từng có từ trước đến nay. Và trong khi mối quan hệ giữa kiến thức bản địa và khoa học đang được thiết lập thì vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi quan trọng. Ai sở hữu những kiến thức bản địa và ai có thể sử dụng chúng? Ai quyết định việc sử dụng những kiến thức đó như thế nào, cho mục đích gì? Những người sở hữu kiến thức bản địa được hưởng những lợi ích gì?…
Những loại hình kiến thức khác nhau
Trong các xã hội công nghiệp hoá, dù nổi bật đến mức độ nào đi nữa thì kiến thức chính thống theo nền tảng phương Tây cũng chỉ duy trì duy nhất một trong số rất nhiều hệ thống kiến thức. Ở nhiều nước, hệ thống này tồn tại song song với các hệ thống kiến thức bản địa không chính thức (kiến thức truyền thống, sinh thái hay địa phương).
Thuật ngữ “kiến thức chính thống” (formal knowledge) dùng để chỉ những hệ thống kiến thức phát triển phần lớn dựa trên nền tảng hệ thống giáo dục phương Tây. Đó là những kiến thức chuẩn vì nó được xác nhận trong những văn kiện, những nguyên tắc, luật lệ, những quy định và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Ngược lại, khái niệm kiến thức bản địa hay kiến thức địa phương dùng để chỉ những thành phần kiến thức hoàn thiện được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Tập hợp những hiểu biết, kiến thức và ý nghĩa này là một phần của tổng hòa văn hoá bao gồm cả hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các lễ nghi, giá trị tinh thần và thế giới quan.
Những kiến thức này là cơ sở để đưa ra những quyết định về nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống hàng ngày tại địa phương như săn bắn, hái lượm, đánh cá, canh tác và chăn nuôi, sản xuất lương thực, nước, sức khoẻ và sự thích nghi với những thay đổi của môi trường và xã hội. Hơn nữa, trái với kiến thức chính thống, những kiến thức không chính thống được truyền miệng từ đời này sang đời khác và rất hiếm khi được ghi chép lại.
Hệ thống kiến thức bản địa cần phải được duy trì, gìn giữ vì những tư tưởng phương Tây đang có xu thế thống trị hầu hết những quan điểm về chính sách phát triển. Đồng thời, cần phải ngăn chặn tình trạng tư tưởng phương Tây cản trở cộng đồng địa phương tham gia vào công cuộc phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng “phát triển” chỉ được định nghĩa bằng những khái niệm xa lạ, thậm chí đôi khi còn không phù hợp của phương Tây.
Phân tích những cố gắng nhằm giải quyết tình trạng đói nghèo cho thấy những dự án hỗ trợ phát triển thường xuyên thất bại. Tồi tệ hơn là đôi khi chúng gây ảnh hưởng bất lợi đến sinh kế của người dân. Giải pháp theo phương pháp của phương Tây đã được áp dụng ngay cả trong những trường hợp mà những kiến thức bản địa có thể giải quyết được tốt hơn, nhưng lại không được lựa chọn vì một lí do nào đó.
Mặc dù đã chứng tỏ được giá trị trong nhiều trường hợp, song kiến thức bản địa không thể – hay không nên – được quảng bá khi chưa được xem xét một cách thận trọng. Không phải tất cả các kiến thức bản địa đều đưa ra được những giải pháp bền vững cho những vấn đề phát sinh ngày nay. Thêm vào đó, hầu hết các giải pháp mang tính địa phương đều rất đặc trưng cho từng bối cảnh.
Việc nhóm nhiều loại hình kiến thức khi chưa được đánh giá kỹ càng thành “kiến thức bản địa” và tách chúng ra khỏi bối cảnh hình thành khiến chúng ta không thể tránh khỏi sự tổng hợp và giản lược hóa quá mức. Phương pháp tổng hợp vô hình trung đã xóa nhòa đi những nét đặc trưng và giá trị quan trọng mà kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình phát triển. Đúng ra, kiến thức bản địa phải được đặt trong bối cảnh của từng địa phương mới có thể phát huy giá trị.
Thật đáng tiếc là khi nhận thức về giá trị của kiến thức bản địa đang được nâng cao, đặc biệt là khả năng đóng góp của nó vào việc phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo, thì cũng là lúc những kiến thức này rơi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng. Những kiến thức này có nguy cơ biến mất không chỉ do tác động của sự thay đổi toàn cầu với tốc độ chóng mặt, mà còn bởi sự thiếu hụt khả năng và điều kiện cần thiết để ghi nhận, đánh giá, phê chuẩn, bảo vệ, phổ biến chúng ở các quốc gia phía Nam bán cầu.
Tình trạng này cần phải được thay đổi, nhưng cần phải có các phương tiện, điều kiện, các nghiên cứu cũng như nguồn tài chính. Bên cạnh đó, cần phải có sự ủng hộ về mặt tinh thần vì những kiến thức địa phương thường ít được áp dụng hơn so với khoa học kỹ thuật phương Tây trong cả lĩnh vực phát triển cũng như khoa học.
Cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa và phát triển các phương pháp xử lý đối với hệ thống kiến thức bản địa. Có như vậychúng ta mới có thể dùng kiến thức bản địa để đưa ra được giải pháp cụ thể cho từng vấn đề thông qua việc nâng cấp hoặc thay đổi những hệ thống kiến thức này. Việc nghiên cứu dĩ nhiên cần tiến hành với sự tham gia của những người sở hữu kiến thức bản địa và cộng đồng địa phương trong khu vực.
Tầm quan trọng của kiến thức bản địa
Kiến thức bản địa đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Trong những năm gần đây, các nước đang phát triển cung cấp ngày càng nhiều thông tin về vai trò của kiến thức bản địa trong nhiều lĩnh vực tại các quốc gia phía Nam bán cầu như: nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, quản lý sâu bệnh, đa dạng cây trồng, chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, chọn giống cây trồng);sinh học (thực vật học, kỹ thuật nuôi cá); chăm sóc sức khoẻ con người (bằng các phương thuốc truyền thống); sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ đất, thuỷ lợi và các hình thức quản lý nước khác); giáo dục (kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương) và xoá đói giảm nghèo nói chung.
Kết quả của dòng thông tin lớn mạnh đó là các học giả, những nhà hoạch định chính sách và những người đang hoạt động trên lĩnh vực phát triển ngày càng quan tâm đến kiến thức bản địa. Hơn hai thập kỷ trước, họ đã thiết lập mối quan hệ giữa kiến thức bản địa và khoa học, và thừa nhận tính hợp lý của kiến thức bản địa đối với hệ thống giáo dục và các vấn đề phát triển.
Hơn nữa, kiến thức bản địa đã đóng góp cho khoa học trong nhiều lĩnh vực liên quan đến việc quản lý tài nguyên thiên nhiên qua các nghiên cứu về thực vật dân tộc học hiện đại. Cụ thể là kiến thức bản địa đã giúp các nhà khoa học nắm được những vấn đề về đa dạng sinh học và quản lý rừng tự nhiên. Kiến thức bản địa cũng đóng góp vào khoa học những hiểu biết sâu sắc về thuần hoá cây trồng, gây giống, quản lý và giúp các nhà khoa học nhận thức đúng đắn về nguyên tắc, thói quen đốt nương làm rẫy, nông nghiệp sinh thái, nông lâm kết hợp, luân canh cây trồng, quản lý sâu hại, đất đai và nhiều kiến thức khác về khoa học nông nghiệp. Thêm nữa, các nhà khoa học cũng thường quen với kiến thức bản địa và ứng dụng vào trong các dự án về hợp tác phát triển và trong nhiều bối cảnh hiện tại khác.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong các bối cảnh này, các kiến thức bản địa xuất phát hoàn toàn độc lập (và không cạnh tranh) với khoa học và nhìn chung là hoàn toàn độc lập với nền văn hoá phương Tây. Trên thực tế, kiến thức bản địa và khoa học hiện đại cần được hiểu là hai hệ thống kiến thức bổ trợ chứ không cạnh tranh với nhau.
Việc đưa ra mối liên hệ giữa kiến thức địa phương và kiến thức toàn cầu cũng rất quan trọng (trong khi vẫn phải tránh xu thế biến kiến thức địa phương thành kiến thức toàn cầu). Liên quan đến việc này, đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu sửa đổi hệ thống giáo dục cho phù hợp với tình hình địa phương ngày càng cao ở các quốc gia phía Nam bán cầu. Những cố gắng này cũng đã tạo ra sự quan tâm sâu sắc đến hệ thống kiến thức dựa trên nền tảng truyền thống và văn hoá địa phương và nhu cầu làm sao để hệ thống này có hiệu lực xét trên quan điểm giáo dục.
Nghiên cứu tiến hành tại nhiều vùng khác nhau của châu Á nhằm tìm ra những khó khăn cản trở cộng đồng bản địa tham gia hệ thống giáo dục trung học và phổ thông chính quy đã đưa ra cách nhìn mới đúng đắn hơn, góp phần xây dựng một chương trình và phương pháp giảng dạy mới. Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Inđônêxia đều đang phát triển các chương trình giảng dạy và phương pháp tiếp cận mới, truyền đạt kiến thức nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu hệ thống kiến thức địa phương.
Sự quan tâm ngày càng lớn đến kiến thức bản địa được thể hiện rõ trong những báo cáo của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở nhiều quốc gia.Các tổ chức này cũng như các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lao động Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều thừa nhận rõ ràng vềnhững đóng góp của kiến thức bản địa trong phát triển bền vững. Kết quả là một số chính phủ của các quốc gia như Uganda, Nam Phi và Philippin cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến kiến thức bản địa trong các chính sách và chương trình của mình.
Với tất cả những điều trên, dường như chắc chắn có thể kết luận rằng những đánh giá về kiến thức bản địa ngày càng đúng đắn. Tuy nhiên, trước khi có thể vận dụng kiến thức bản địa thì vẫn còn những vấn đề nhạy cảm cần xem xét, ví dụ như vấn đề liên quan đến quyền sở hữu và giá trị của kiến thức bản địa.
Như đã đề cập ở trên, kiến thức bản địa đã được chấp nhận, được thích nghi và được ứng dụng. Nó cũng đã được kết hợp vào chương trình và phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, trước khi có được điều này còn rất nhiều câu hỏi quan trọng cần được đưa ra. Ai là người sở hữu những kiến thức đó? Ai quyết định việc sử dụng kiến thức bản địa như thế nào và nhằm mục đích gì? Ai có thể sử dụng? Và những người sở hữu nó nên được hưởng lợi như thế nào?
Những câu hỏi này là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Một số nhà phê bình cho rằng việc tài liệu hóa kiến thức bản địa đáng ra nên giúp cho những người bên ngoài không hiểu sai về nó thì trên thực tế lại tạo điều kiện cho nạn “cướp bóc sinh học”, báo hiệu một thời kỳ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc mới mà người chịu thiệt hại là các nước đang phát triển. Họ nói rằng những cơ sở dữ liệu và các ấn phẩm về kiến thức bản địa đã tặng cho tất cả mọi người cái quyền sử dụng những kiến thức đó theo bất cứ cách nào họ thích mà không cần quan tâm đến bối cảnh địa phương và đóng góp cho những người sáng tạo ra những kiến thức đó.
Bất cứ ai có liên quan đến vấn đề kiến thức bản địa phải suy nghĩ về những vấn đề cơ bản này khi xây dựng các hướng dẫn và phưong pháp thu thập, sử dụng và xuất bản thông tin về kiến thức bản địa. Trên thực tế, cách giải quyết những vấn đề này khác nhau tùy vào từng bối cảnh – Điều đó cũng được thể hiện trong tài liệu tham khảo về kiến thức bản địa mà bạn đang đọc ở đây.
Lời kết
Một trong những điều kiện tiên quyết của toàn bộ quá trình thu thập, ứng dụng và phổ biến kiến thức bản địa là sự tham gia đầy đủ của người dân địa phương. Điều này chỉ có thể đạt được khi cộng đồng địa phương được tham gia với một vị trí tương xứng. Vì vậy, nếu việc duy trì hệ thống kiến thức truyền thống được ủng hộ tích cực thì vấn đề xây dựng năng lực trở thành vấn đề then chốt và thiết yếu.
Xây dựng năng lực bao gồm đào tạo nhằm trang bị tốt hơn cho người dân bản địa và các nhà khoa học trẻ để họ có thể tiến hành nghiên cứu về kiến thức truyền thống, và nhằm đẩy mạnh, phát triển nghiên cứu để có cái nhìn đúng đắn hơn về loại hình kiến thức này. Điều này có thể đạt được khi có sự cộng tác giữa chính phủ và các tổ chức thế giới và bằng việc đưa kiến thức bản địa vào các hội nghị khoa học về phát triển nói chung.
Hi vọng rằng những thông tin về kiến thức bản địa trên sẽ gợi những suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề này cũng như mở ra một tương lai phát triển và những nhìn nhận đúng đắn hơn về kiến thức bản địa.