Cảnh báo về những mối đe doạ trong tương lai đối với biển và đại dương toàn cầu, Liên Hợp Quốc cho biết: tình trạng ô nhiễm vùng ven biển do sự phát triển của khu vực đất liền có thể gây cản trở đối với sự phục hồi trở lại của các rạn san hô ngầm đã từng bị tổn hại do sự nóng lên của nhiệt độ nước biển.
Trong một bản báo cáo gần đây, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã cảnh báo rằng: ô nhiễm đất, khai hoang đất, phá hủy thảm thực vật ven biển và việc quản lý rác thải thiếu hiệu quả đều có thể gây tổn hại đối với các rạn san hô ngầm. Quan trọng hơn, chúng cũng chứng minh một điều: việc bảo vệ vùng đất ven biển là thực sự cần thiết để làm giảm ô nhiễm vùng ven bờ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trở lại của các rạn san hô.
Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, vào cuối những năm 1990, Trái đất nóng lên đã làm tăng nhiệt độ của bề mặt nước biển, và điều này đã gây tổn hại trên diện rộng đối với rạn san hô ngầm. Năm 1998, nhiệt độ tăng đến 34OC (93O F), đã phá huỷ mạnh mẽ rạn san hô trên khắp thế giới.
Trong báo cáo có tiêu đề: “Bờ biển quý giá của chúng ta: Ô nhiễm biển, Biến đổi khí hậu và Khả năng phục hồi của hệ sinh thái ven biển”, UNEP cho rằng: Việc phục hồi rạn san hô vốn thực sự cần thiết để bảo tồn hệ thống sinh thái biển lại bị cản trở bởi sự phát triển nhanh chóng của vùng ven bờ.
Một đánh giá cho thấy khoảng 70% bờ biển nhiệt đới trên thế giới đã phát triển và dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 90% vào năm 2030.
Một số tài liệu được trình bày tại hội thảo quốc tế về vấn đề ô nhiễm vùng biển ở Bắc Kinh và trong phát biểu của UNEP tại Nairobi, đã được đưa ra trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh về vấn đề biến đổi khí hậu tại thủ đô Kenya
Ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP phát biểu: “Thiên nhiên luôn có khả năng phục hồi nhưng sự nóng lên toàn cầu cùng với ô nhiễm kéo theo nó là những tác động của việc phá huỷ rạn san hô đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phục hồi trở lại của rạn san hô ngầm”. Ông thôi thúc các quốc gia tăng cường khu vực bảo vệ biển để tạo điều kiện cho rạn san hô tăng trưởng trở lại. Ông cũng cho biết rằng: ngày nay gần 23% rạn san hô trên thế giới nằm trong các vùng biển được bảo hộ.
Cũng theo báo cáo trên, những rạn san hô bị tổn hại ở vùng nước bao quanh Mahe, một hòn đảo chính của Seychelles ở Ấn Độ Dương đang phục hồi trở lại từ 5 đến 70%, tuy nhiên, cũng với rạn san hô đó tại các khu bảo tồn thì tốc độ phục hồi nhanh hơn.
Báo cáo đã chỉ ra rằng ở Châu Á, nơi chiếm 92% lượng san hô trên toàn thế giới, tình trạng phá bỏ cây đước để giành chỗ cho các dự án phát triển đang gây ô nhiễm đối với vùng ven biển. “San hô là loài dễ tổn thương. Chỉ cần một lượng nhỏ chất độc hại xuất hiện trong nước sẽ khiến chúng thay đổi ngay tức khắc”. Báo cáo cũng cảnh tỉnh rằng, ô nhiễm, trầm tích, và đánh bắt cá quá mức sẽ đồng thời phá huỷ toàn bộ rạn san hô.
Rạn san hô ngầm hỗ trợ sự tồn tại và phát triển của hơn một triệu loài động, thực vật – đồng thời là những điểm đến lý tưởng cho những người đam mê lặn biển. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong báo cáo rằng: Trong nhiều trường hợp rạn san hô ngầm được xem như “các khu rừng mưa nhiệt đới” của biển. Chúng mang lại cho con người gần 30 tỷ đôla (24 tỷ euros) với doanh thu từ các hoạt động đánh bắt vùng ven và công nghiệp du lịch trên toàn thế giới.