Hổ Đông Dương (tên khoa học Panthera tigris), là loài vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, hổ còn được dân gian gọi với những tên khác nhau như ông ba mươi, ông hùm, cọp… được “mệnh danh” là chúa tể sơn lâm, vì sự dữ tợn và mức độ nguy hiểm. Do việc săn bắn bất hợp pháp để lấy da, thịt… đặc biệt là lấy xương hổ nấu cao, loài vật này đang bị đe dọa nghiêm trọng về sự suy giảm số lượng. Xung quanh chuyện cao hổ cốt, có rất nhiều vấn đề đáng chú ý.
Từ xa xưa, cao hổ cốt đã được coi là loại thuốc quý, với nhiều tính năng hữu ích. Theo các nhà khoa học, trong xương hổ có chứa một lượng a-xít amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác và có tỷ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng a-xít amin cao như vậy nên khi uống vào, nó làm cho người ta thấy khỏe khoắn, khoan khoái, hết đau xương, làm mạnh gân cốt… Trong sự đồn đại của dân gian, nếu bị thấp khớp nặng, chỉ cần uống nửa lạng cao hổ cốt (loại chính hiệu), căn bệnh sẽ tự dứt ngay. Nếu tìm được miếng xương bánh chè của hổ thì còn tuyệt vời hơn. Đang bị thấp khớp sưng vù cả đầu gối, lấy xương bánh chè hổ mài ra, uống xong, trong khoảng hai giờ sau sẽ khỏi hẳn.
Chỉ như vậy thôi nhưng qua lời truyền khẩu và có lẽ do quá hiếm nên loài hổ bị săn lùng ráo riết để nấu cao. Những tay săn hổ, những người đi lùng kiếm cao hổ cốt, còn thêm vào cho loại “biệt dược” này những công dụng như: tráng dương, bổ thận, hồi xuân, tăng cường tuổi thọ… Cơn sốt “cao hổ cốt” với những người muốn “tăng cường sức khỏe”, có điều kiện kinh tế… càng trở nên nóng bỏng. “Ông ba mươi” bây giờ khó mà tìm được nơi yên ổn chốn rừng xanh.
Khởi phát của cao hổ cốt
Tại Việt Nam hiện nay, có những nơi “chuyên môn hóa” trong lĩnh vực nấu cao, từ cao trăn, cao khỉ, cao gấu… cho đến cao hổ. Thượng vàng, hạ cám, tiền ít, tiền nhiều, cứ nêu yêu cầu thì tất thảy đều được đáp ứng khi muốn tìm cho mình một sản phẩm “bồi bổ sức khỏe”.
Ở huyện miền núi Lập Thạch, Vĩnh Phúc, tồn tại hai làng nấu cao chuyên nghiệp, đó là Phú Cường và Yên Sơn (thuộc xã Lãng Công). Nghề nấu cao cha truyền con nối, không chỉ trong bộ phận nhỏ hẹp của hai làng, mà còn theo chân những người thợ nấu cao ra Hà Nội, với những dịch vụ nấu cao dạo, cao thuê rầm rộ.
Tại đây chủng loại cao rất phong phú, từ cao hổ, cao khỉ, cao ngựa bạch đến cao sơn dương, cao gấu, cao trăn, cao tiểu hổ… trong đó cao hổ, cao ngựa bạch và cao khỉ được coi là hàng cao cấp, nhất là cao hổ (cực hiếm).
Số liệu báo cáo của WWF và Tổ chức giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC năm 2002.
Phân loài | Số lượng | Phân bố |
Begal | 3176 – 4556 | Bhutan, Trung Quốc,Ấn Độ, Myanmar, Nepal |
Amur | 366 – 406 | Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nga |
Nam Trung Quốc | 20 – 30 | Nam Trung Quốc |
Samatra | 400 – 500 | Indonesia |
Hổ Đông Dương | 1200 – 1785 | Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia. |
Theo ông Túc – người làng Yên Sơn, thì cao hổ là loại hàng độc, không bao giờ dám nấu sẵn, chỉ đắp lò khi khách có nhu cầu. Lý do mà ông giải thích rất đơn giản, giá thành một bộ xương hổ khá lớn, hơn nữa, đây là mặt hàng quốc cấm, không ai dám “liều” vì khả năng đi tù lớn.
Tại vùng biên giới Tây Ninh, tiếp giáp với Campuchia, hoạt động buôn bán hổ và cao hổ cốt diễn ra khá rầm rộ: Hổ được đặt hàng với thợ săn chủ yếu ở hai tỉnh Svay Riêng và Kom Bông Chàm (2 tỉnh biên giới Campuchia), sau đó được chuyển bí mật vào Việt Nam, và “phát tán” đi các vùng trong cả nước.
Ngoài ra, “hàng” còn vào Việt Nam từ Lào, Malaysia, theo đường biển hoặc đường bộ. Để tránh lực lượng chức năng, hổ thường được nhét vào các container. Xương khô thì gọn và dễ vận chuyển, còn cả con hổ thì cho vào tủ đá to ướp lạnh bảo quản.
Cao hổ cốt
Cao hổ cốt được nấu ở hai dạng: cao xương và cao toàn tính. Cao xương chỉ nấu riêng xương, mầu cao thành phẩm trong hơn. Cao toàn tính nấu cả con, chỉ bỏ mỗi lông và ruột, chất lượng vì thế kém hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn. Ở đây, chủ yếu bàn đến chuyện nấu cao xương.
Để nấu được cao xương trước hết là phải có bộ xương hổ, phải là bộ xương đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác.
Xương hổ quý nhất là xương chân trước (hay còn gọi là xương tay) rồi xương chân sau, xương đầu, xương sống liền với xương đuôi. Đặc biệt, trong nồi cao hổ, nếu thiếu xương bánh chè thì coi như thiếu đi một nửa.
Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất phải trên 10 kg. Theo Lương y Nguyễn Thiên Quyến, Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Hà Nội thì bộ xương hổ tốt mà chế biến không đúng cách cũng coi như hỏng. Ông cũng cho biết là xương hổ để càng lâu ngày càng tốt, còn nếu xương hổ đem nấu cao khi còn tươi thì chất lượng cao rất kém và tanh.
Một nồi cao hổ cốt hoàn chỉnh, cần tới 5 bộ xương hổ. Cứ 1kg xương đã chế biến theo đúng quy chuẩn, có thể nấu được hơn 200 gram cao. Để cao hổ thêm phần “uy lực” và “dẫn” nhanh, người ta cho thêm xương sơn dương theo tỉ lệ 10/2 (10 xương hổ, 2 xương sơn dương), bởi vậy, mới có câu: “phi sơn dương bất thành hổ cốt”..
Để hoàn thành một nồi cao hổ cốt, phải trải qua ba công đoạn: làm sạch xương, sao tẩm, và nấu cô. Ngày nay, để làm sạch, xương tươi hoặc xương khô của hổ nhưng còn dính thịt, được cho vào nước vôi loãng đun sôi, ngâm một ngày một đêm, đem rửa sạch. Đôi khi, người ta luộc xương với lá rau cải…
Xương luộc xong, đem ra lấy trấu thóc nếp hoặc cát mịn đánh cho đến khi sáng bóng lên thì thôi. Sau đó đem cưa xương ra từng khúc ngắn như khẩu mía chẻ nhỏ ra, xương nhỏ thì đập vỡ rồi đem luộc với dấm trong vài phút để làm sạch tủy. Rồi lại vớt xương ra, cho vào vại, đổ nước vào rồi đánh đều tay… các mảnh xương cọ vào nhau sẽ làm sạch những tủy, thịt, gân còn sót… Giai đoạn này phải được làm hết sức cẩn thận bởi vì cẩu thả một chút, trong cả đống xương hổ đó, lẫn vài đoạn còn dính tủy là có khi hỏng cả nồi cao.
Xương hổ làm sạch xong phải sao tẩm. Dân nấu cao đem giã nhỏ lá rau cải, thêm một chút nước, đổ vào ngâm xương trong một ngày một đêm. Tiếp đó, họ mang rửa sạch, sấy khô. Sau nữa, lá trầu không được giã nhỏ, cho vào xương hổ, ủ thêm một ngày một đêm, lại đem rửa sạch, sấy khô. Thứ đến, lấy gừng giã nhỏ tẩm vào xương ủ một đêm và hôm sau mang xương ra sấy ngay, không được rửa lại. Cuối cùng lấy rượu 40 độ tẩm vào xương và để cho tự khô rồi đem sao với cát sạch cho hơi ngả màu vàng. Đến lúc đó mới được bỏ xương vào một rọ tre và thả vào nồi, đổ nước mưa hoặc nước cất vào để… nấu cao.
Muôn nẻo cao hổ cốt : hổ lốn xương gấu, xương trâu, xương chó…
Cao hổ cốt (thật) đem ngâm rượu, sẽ cho màu đục như nước vo gạo. Khi uống, có dư vị ngầy ngậy thoảng qua nơi cuống họng. Nếu là cao thật, nó thực sự có tác dụng tốt cho cơ thể con người.
Tuy nhiên, hiện nay, do mức độ quý hiếm của hổ và sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng, phần lớn cao hổ trên thị trường bị thay thế bởi cao của các loài khác. Quá trình “nhái” này được tiến hành với trình độ cao cấp, vô cùng tinh vi.
Xương gấu giống xương hổ nhất, lại rẻ nên thường được các “tay” nấu cao dùng để đánh lừa những vị khách ham săn hàng độc. Tiếp đó là xương chó bécgiê cỡ lớn. Họ xả thịt con vật, dùng các công nghệ phù phép, đánh bóng, gọt dũa.
Một yếu tố đặc biệt, những tay nấu cao kiểu này, bao giờ cũng phải khoan thêm một lỗ “mắt phượng” bằng kích cỡ trên xương hổ thật (dấu hiệu đặc trưng của loài hổ). Nếu không có xương gấu hay chó bécgiê cỡ lớn, họ có thể dùng cả xương lợn, xương trâu, xương bò, xương chó … để nấu cao hổ rởm. Những loại cao này thường được đem bán dạo, phân phát cho các cửa hàng biệt dược… với những lời quảng cáo “bùi tai”.
Tại sao các tay nấu cao hổ “rởm” vẫn ăn nên làm ra? Điều này thực ra không khó giải thích. Ngay trước khi sử dụng, người dùng đã được “lý tưởng hóa”, “kỳ vọng” vào công dụng thần kỳ của cao hổ cốt. Vì vậy, với những bệnh thông thường như đau đầu, cảm lạnh hoặc mệt mỏi, có thể chỉ cần dùng một lát cao “rởm”, họ có thể cảm thấy khỏe hơn (yếu tố tâm lý). Một số người nấu cao rởm kiểu này, đã cho thêm thuốc phiện vào cao khi nấu, để tăng thêm hiệu quả cho sản phẩm.
Rầm rộ cao hổ cốt – loài hổ kêu cứu.
Theo số liệu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, số lượng hổ ở Việt Nam hiện chưa đến 100, và đang trên đà bị đe dọa tuyệt chủng. Tâm lý cho rằng cao hổ cốt có thể chữa bách bệnh ở một số người là một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến số lượng loài hổ.
Nhà nước đã có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người có hành vi buôn bán loại động vật này. Tuy vậy, phong trào nầu cao hổ cốt, dùng cao hổ cốt vẫn không dừng trong xã hội. Đây thực sự là một hiểm họa đối với việc bảo tồn sự đa dạng và phong phú thiên nhiên.