Các nhà khoa học đã giải mã được bộ gene ong mật, tìm ra đầu mối về những hành vi xã hội phức tạp của chúng. Kết quả đã đưa ong trở thành loài côn trùng thứ 2 sau ruồi giấm và muỗi có bộ gene được giải mã.
Ong mật Apis mellifera tiến hoá chậm hơn các loài côn trùng khác nhưng lại có nhiều gene liên quan tới khứu giác hơn. “Trong sinh học và y học, ong mật được dùng để nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực như bệnh dị ứng, khoa học thần kinh, lão khoa, hành vi xã hội và khoa chất độc”, giáo sư Gene Robinson, Giám đốc Đại học Illinois, nói.
“Dự án giải mã gene ong mật đã mở ra một nghiên cứu mới về ong giúp ích cho ngành nông nghiệp, nghiên cứu sinh học và sức khoẻ con người”.
Với một cơ cấu xã hội phát triển cao gồm hàng chục nghìn con ong thợ do một con ong chúa điều hành, bộ gene ong mật cũng giúp đẩy nhanh cuộc nghiên cứu gene liên quan tới hành vi xã hội.
Ong chúa sống lâu gấp 10 lần ong thợ và đẻ tới 2.000 quả trứng mỗi ngày. Cho dù có một bộ não nhỏ xíu, ong mật thể hiện khả năng nhận thức sâu sắc và biết cách liên tưởng giữa màu sắc, hình dáng và hương vị của bông hoa với thức ăn, gia tăng khả năng kiếm ăn của chúng. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy ong mật có nguồn gốc từ châu Phi và phân tán tới châu Âu qua 2 cuộc di cư cổ đại.
Số gene liên quan tới khứu giác của ong mật vượt trội hơn hẳn số gene liên quan tới vị giác. Những con côn trùng này cũng có ít gene miễn dịch hơn so với ruồi giấm hay muỗi. Ong mật sử dụng pheromone để phân biệt giới tính, đẳng cấp và tuổi của các ong khác.
“Trình tự gene này là một bước quan trọng giúp tìm ra câu trả lời về một vấn đề cơ bản của sự tiến hoá xã hội: Tại cấp độ gene, cần phải có những gì để kiến trúc nên một loài côn trùng sống tập thể tiên tiến?”, giáo sư Edward Wilson tại Đại học Harvard, Mỹ, phát biểu.