Từ hàng nghìn năm nay, bông vẫn luôn là một loài cây trồng quan trọng để làm quần áo và các vật dụng che ấm cho con người. Nay các nhà khoa học cho biết bông cũng có thể trở thành một nguồn thức ăn hữu ích
Từ hàng nghìn năm nay, bông vẫn luôn là một loài cây trồng quan trọng để làm quần áo và các vật dụng che ấm cho con người. Nay các nhà khoa học cho biết bông cũng có thể trở thành một nguồn thức ăn hữu ích.
Một hoá chất mang tên gossypol khiến con người không thể ăn được hạt bông, mặc dù nó cũng đã được dùng làm thức ăn cho gia súc. Nay các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas A&M, Mỹ đã biến đổi gene cây bông để tạo ra những hạt giống hầu như không có gossypol. Nếu thành công, đây sẽ là một nguồn cung cấp protein có giá trị cho hàng triệu người.
Nhà khoa học Keerti Rathore tại Viện công nghệ sinh học và di truyền học thực vật cho biết loài cây sau khi được biến đổi gene vẫn có gossypol trong thân cây và lá để giúp chống lại côn trùng, nhưng hoá chất này được giảm đáng kể ở trong hạt.
Trên toàn thế giới, 44 triệu tấn hạt bông được sản xuất mỗi năm. Cây được trồng tại 80 quốc gia và hạt của nó chứa 23% protein. Chúng cũng được ép để lấy dầu và ở Mỹ, khoảng một nửa chất thừa còn lại được dùng làm thức ăn cho gia súc. Nhưng nếu gossypol được loại bỏ, hạt bông có thể được nghiền thành bột và sử dụng để chế biến món ăn cho con người.
Jodi Scheffler, nhà di truyền học tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp ở Stoneville, Mỹ, cho rằng phát triển này rất có tiềm năng. “Protein trong hạt bông rất tốt nhưng con người lại không thể ăn được bởi nó chứa chất độc. Kết quả này thực sự mang lại cho chúng ta một hy vọng”.