Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, nhưng hoạt động khai thác, buôn bán loại động vật này vẫn không giảm. Bài viết dưới đây cho biết về những mánh khoé của một đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia để minh chứng cho những điều này.
Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị (số 359-TTg ngày 29/5/1996) quy định các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Bộ luật Hình sự năm 1999 lần đầu tiên đưa ra một điều khoản (Điều 190) xử lý các vi phạm trong quản lý, bảo vệ ĐVHD. Từ đó đến nay, năm nào cũng có văn bản pháp lý mới siết chặt hơn hoạt động liên quan. Nhưng, theo thống kê của Cục Kiểm lâm, năm 2000, kiểm lâm cả nước tịch thu 10.700 ĐVHD buôn bán trái phép. Năm 2001, thu 14.220 con. Năm 2002, tăng thu lên 29.991 con. Năm 2003, lên đến 35.654 con. Và năm 2004, số tịch thu vượt ngưỡng 40.000 con. Trong bốn năm, từ 1997- 2001, kiểm lâm cả nước bắt được 250 tấn ĐVHD. Nhưng chỉ hai năm, từ 2002- 2003, kiểm lâm tịch thu trên 311 tấn, nhiều hơn bốn năm trước cộng lại.
Ai cũng thừa nhận số thu tăng lên ấy chủ yếu do hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm ngày càng cao. Nhưng không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng không kém là do hoạt động khai thác buôn bán ĐVHD không giảm.
Ông Trần Quốc Bảo ở Cục Kiểm lâm còn nhận định số tịch thu chỉ chiếm 20-25% số vụ buôn bán bất hợp pháp. TS Nguyễn Văn Song ở ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội, ước tính, tổng doanh thu hàng năm do buôn bán bất hợp pháp ĐVHD ở Việt Nam lên đến 66,5 triệu USD trong đó 21 triệu USD là tiền lãi.
Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học, nếu tính cả khối lượng và chủng loại ĐVHD được Văn phòng CITES Việt Nam (Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài động- Thực vật Hoang dã Nguy cấp) cấp phép xuất khẩu hợp pháp mấy năm gần đây, chủng loại ĐVHD còn lớn hơn nhiều.
Săn lùng chúa sơn lâm
Xin minh họa bức tranh qua câu chuyện về một loài ĐVHD cụ thể là hổ. Trong một chuyến điền dã vào mấy tỉnh khu bốn cũ thời gian gần đây, chúng tôi không khó khăn gì khi muốn tìm “hàng độc”, các sản phẩm của hổ. “Nguyên con, bán theo trọng lượng, 2,5 – 3 triệu đồng/kg.
Cần bao nhiêu cũng có, đặt cọc tiền, cho địa chỉ sẽ giao hàng tận nơi. Chậm nhất cũng không quá một tuần lễ. Còn cao hổ 6 triệu đồng/lạng”, một tay buôn hổ ở Vinh, Nghệ An ra giá.
Trong vai những người đang săn lùng hổ nấu cao, chúng tôi được giới thiệu tiếp cận với người này. Ông ta buôn đủ loại ĐVHD nhưng có vẻ khoái nhất là buôn hổ nấu cao. Tiếp xúc, chúng tôi biết ông chưa phải là trùm. Phía sau ông có những bàn tay đầy thế lực che chở, bảo kê.
Trước đó, đầu tháng 9-2004, khi chúng tôi có mặt tại Phôn Xa Vẳn, Lào, một bộ xương hổ nặng 11 kg được rao bán giá 5.000 USD. Một bộ xương hổ 13 kg ở Xay Nha Bu Ly về tay một người Việt sau khi trả giá 4.000 USD.
Cuối tháng 9-2004, chúng tôi được thông báo có một con hổ hơn 100 kg từ Lào “vượt” qua biên giới, sau đó được bảo quản và chuyên chở bằng xe đông lạnh theo quốc lộ 7 A về Vinh.
Đầu tháng 10-2004, cứ tưởng chúng tôi là đầu mối sộp, người ta lại rao bán một con hổ khoảng 180 kg tại Vinh với giá 500 triệu đồng. Con hổ này mua ở Lào chỉ khoảng 4.000 USD. Sau đó có kẻ chào hàng một con hổ đông lạnh 150 kg đang ém ở Lạc Xao, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, cách cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh khoảng 40 km. Nếu chịu giá 3 triệu/kg sẽ giao hàng tại nhà sau khi đặt cọc 1.000 USD trước một tuần.
Theo gã buôn hổ, ướp lạnh có thể bảo quản xác hổ an toàn hàng năm nếu thợ săn hạ được hổ và đưa ngay ra khỏi rừng. Vận chuyển qua biên giới, ít khi chở bằng xe đông lạnh. Song nếu có bảo kê, “Chẳng thấy điều gì bất tiện cả” – Ông ta thản nhiên!
Vơn Văng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Trung ương Lào, xác nhận: “Hổ ở Lào còn nhiều đấy, Sầm Nưa nhiều hổ đấy”. Phòng làm việc của ông ở Viêng Chăn toàn hổ nhồi trấu và da hổ. Không biết ở đâu ra mà nhiều thế! Nhân tiện ông đưa rượu quý ra mời. Chúng tôi hỏi có rượu cao hổ cốt không. Vơn Văng nhìn xoáy vào một trong hai chúng tôi: “Lào cấm buôn bán và săn bắt hổ rồi”.
Đúng là Lào có nhiều hổ. Chúng tôi từng ăn thịt hổ ở Mường Hiềm trên đường từ Sầm Nưa đi Luông Pha Băng và U Đôm Xay. Lần đó dân bản săn được hổ, xẻ thịt bán bên đường cạnh tấm da vàng nâu vằn vện của chúa sơn lâm.
Trong nhà bà Hồi, chủ trang trại 70 con gấu ngựa ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, chúng tôi cũng thấy có một bộ da hổ rất đẹp. Con hổ này khoảng 170 kg và bà Hồi nói mua ở cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An, 10 triệu đồng. Tiền thuộc da mất 10 triệu đồng nữa.
Đầu năm 2005, chúng tôi lại được ăn thịt hổ ở Mường Sủi, trên đường từ Phôn Xa Vẳn đi Viêng Chăn. Ăn món thịt hổ nấu súp, một trong hai chúng tôi nhai phải ba cục chì to như đầu ngón tay út. Té ra dân bản bắn hổ bằng súng kíp, tự chế đạn bằng thuốc nổ và rất nhiều viên chì nhồi vào trong. Có con khi đem bán bị rách nát thân thể do trúng mìn. Năm ngoái một con hổ ở Lào bị trúng mìn văng mất một chân trước và lồng ngực bị xé toang, bán không được giá.
Một tay buôn hổ ở Vinh thao thao về hổ, từ phân bố, sinh cảnh, đặc điểm nhận biết xương hổ, cách phân biệt với các loại xương giả hổ. Hắn nói trên thế giới hổ có mặt ở Siberia xa xôi cho đến vườn quốc gia Pù Mát cách nơi hắn và chúng tôi ngồi nhậu 130 km. Hắn nói hổ ở Việt Nam hiện có khắp các khu rừng phía Tây, từ Bình Phước tới Điện Biên (?)
Mỗi khi phát hiện dấu hiệu có hổ, thợ săn không để cho nó thoát! Thậm chí tay chân của hắn còn thường xuyên theo dõi báo chí để có thông tin về hổ rồi báo cáo với hắn để hắn đặt hàng cho thợ săn vùng vừa phát hiện có hổ! Phát hiện ra vùng rừng có hổ, thợ săn dùng gia súc hay khỉ để nhử. Con hổ mới phát hiện ở Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, theo hắn, “chẳng chóng thì chầy cũng sẽ vô nồi nấu cao”.
Đường dây mua bán hổ xuyên quốc gia mà trạm trung chuyển lớn nhất là Nghệ An không phải mới hình thành. Theo một số nguồn thạo tin, đường dây có khoảng 5 năm nay. Nguồn hổ chủ yếu từ Lào và Miến Điện về Vinh qua cửa khẩu Cầu Treo ( Hà Tĩnh) và cửa khẩu Nậm Cắn ( Nghệ An). Việt Nam cũng chỉ là trạm trung chuyển bởi đích cuối cùng thường là nước khác.
Từ Miến Điện qua Lào rồi về Việt Nam có nhiều con đường rất thuận tiện cho việc vận chuyển và hầu như không gặp bất kỳ rắc rối nào trên đường đi, trừ việc qua cửa khẩu. Nhưng bọn buôn hổ có nhiều mưu ma chước quỷ để lọt qua cửa khẩu an toàn. Từ Miến Điện, hổ được đưa qua Lào bằng hàng trăm con đường lắt léo trong rừng. Từ Lào về Việt Nam có nhiều cách. Hoặc từ Phong Sa Lỳ qua Điện Biên. Hoặc từ Bó Kẹo, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Xay Nha Bu Ly, Luông Pha Băng, hay Hủa Phăn qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị v.v…
Nhiều khách hàng sợ bị lừa nên chỉ muốn mua hổ nguyên con (mổ bụng bỏ nội tạng). Chúng phải mổ xác hổ để vứt bỏ nội tạng vì những thứ đó không ai mua và có thể làm cho xác hổ mau thối rữa, bốc mùi khi vận chuyển. Những con hổ bị mổ bụng vứt hết nội tạng cũng là con đường vận chuyển ma túy từ Lào sang Việt Nam. Dĩ nhiên là tiền lót đường phải nhiều, phải có bảo kê.
Đem được nguyên con từ rừng về tận nhà, khách mê nhất. Không đem được nguyên con khi cảm thấy không an toàn, phải mổ bụng bỏ nội tạng rồi chặt làm năm phần gồm đầu và tứ chi. Chia phần ra để vận chuyển cho dễ nhưng phải đảm bảo giữ được da. Khi đủ các bộ phận tại nơi tập kết mới ráp lại. Đến lúc đó, khách mới trả tiền.
Cũng có kẻ chở hổ đến gần biên giới rồi thuê người dân tộc khiêng nguyên con băng rừng lội suối qua Việt Nam sau đó dùng xe đông lạnh để chở về Vinh.
Mấy năm qua, Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Cục kiểm lâm Việt Nam (FPD) tiến hành thử nghiệm một chương trình giám sát hổ và con mồi. Kết quả ban đầu cho thấy miền Trung dãy Trường Sơn là vùng rộng lớn các khu rừng nhiệt đới ẩm thường xanh có thể còn hổ. Một chương trình giám sát thử nghiệm được tiến hành trên cơ sở các cuộc phỏng vấn chuẩn bị trước về hổ, con mồi, mối đe dọa và xung đột người – hổ. Theo một ước tính, hổ ở Việt Nam hiện còn khoảng 100 con.
Cách khác là róc xương đem bán. Cách này chỉ có thể bán được cho những người “sành điệu” – có thể nhận biết được xương hổ thật hay giả. Dĩ nhiên, giá rẻ hơn nguyên con. Người ta ưa thích nhất là xương hổ để nấu cao. Trong xương, xương chi trước là quý nhất. Không có xương đó (hay bộ xương thiếu vài chi tiết), nồi cao coi như kém giá trị. Sau xương mới đến tấm da, dương vật,và nanh vuốt. Muốn có cao hổ cốt giá rẻ, một số người hùn tiền sang Lào mua hổ, thuê người nấu cao bên Lào để khỏi tốn phí tổn vận chuyển về Việt Nam.
Vận chuyển xương hổ từ rừng về thành phố hay từ Lào qua biên giới về Việt Nam cũng rất kỳ công mặc dù, so với vận chuyển nguyên con, vẫn là cách vận chuyển đơn giản nhất.
Thường bọn buôn lậu ít khi đưa nguyên bộ xương đi một lúc. Chúng cũng chia ra nhiều phần. Sau khi “tề tựu” đầy đủ, chúng cũng ghép bộ xương lại cho khách xem rồi mới ra giá. Có khi chúng xẻ thịt, róc lấy xương, vừa làm vừa quay video và chụp ảnh, cho khách mua xương xem để làm tin.
Những kẻ không ưa mạo hiểm, muốn có cao hổ giá rẻ thì “cài cắm” đệ tử ở Lào. Khi có hàng, họ báo tin cho chủ sang và thuê một người biết nấu cao.
Đối tượng được chọn là dược sĩ nghỉ hưu, trả thù lao hậu hỹ, tháp tùng sang Lào để thổi lò bát quái nấu cao. Xong việc, cho cao hổ sấy khô vào cặp, thản nhiên phóng xe hơi đến cửa khẩu làm thủ tục về Việt Nam.
Nếu nhân viên hải quan hay bộ đội biên phòng hỏi, câu trả lời là “Mua cao khỉ về ngâm rượu”. Nếu hoài nghi, căn vặn, chúng có nhiều “bùa phép” để hóa giải. Khi có tiền mua hổ, người ta có đủ mưu ma chước quỷ để giải quyết vấn đề dù rắc rối mấy. Muốn an toàn hơn, cách cửa khẩu vài km, họ cho đệ tử xuống xe băng rừng qua biên giới. Làm xong thủ tục nhập cảnh, ông chủ đón đệ tử ở đất Việt Nam. “To và cồng kềnh như tivi và tủ lạnh còn đưa lậu qua biên giới được, bộ xương hổ hay vài kg cao chỉ là chuyện vặt”, gã buôn hổ ở Vinh nói.
Theo gã, nhận biết xương hổ có nhiều cách. Khi hổ còn nguyên thân và da thì quá đơn giản để nhận biết. Nhưng vẫn có những người bị lừa vì không phân biệt được báo hoa mai và hổ. Báo hoa mai nhỏ hơn hổ, con trưởng thành chỉ 60 – 70 kg ( hổ nặng 150 – 250 kg), lông không có vằn vện (sọc ngang) mà là những đốm màu đen hình hoa mai. Còn báo gấm quá nhỏ so với hổ, trọng lượng không quá 30 kg, có vân lớn ở lưng chứ không hề có vằn vện. Thế mà vẫn có người bị lừa là hổ non!