Tình trạng nóng lên của khí hậu Trái Đất, nếu không được kiểm soát, có thể đẩy 72% số loài chim trên hành tinh tới bờ vực của sự tuyệt chủng, Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo.
Chim di cư rất nhạy cảm với những thay đổi khí hậu. Ngay tại thời điểm hiện nay, tình trạng nóng lên của Trái Đất đang gây nên những tác động xấu đối với cuộc sống của nhiều loài, kể cả chim cánh cụt và chim hút mật. Đây là kết luận của WWF trong hội thảo bàn về thay đổi khí hậu tại Kenya vào ngày 13/11.
“Sự biến mất của nhiều loài chim cho thấy hiệu ứng nhà kính đã gây ra một chuỗi tác động đối với các hệ sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng thay đổi khí hậu cũng tác động tới hành vi của chim di cư. Bằng chứng là một số loài chim di cư đã không còn bản năng thay đổi nơi sinh sống nữa”, báo cáo viết.
Trong tương lai, WWF khẳng định, nếu hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay thì khoảng 72% số loài chim sẽ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, nguy cơ tuyệt chủng của chim có thể được ngăn chặn nếu con người thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, chẳng hạn như cắt giảm lượng khí thải công nghiệp.
Số lượng nhiều loài chim di cư đang giảm đi ở châu Âu và Mỹ khi nguồn thức ăn cho chúng biến mất bởi tình trạng nóng lên của khí hậu. Tại nhiều nơi, chẳng hạn như phía bắc vịnh Hudson của Canada, muỗi đang sinh sôi nảy nở rất nhanh và đã đạt tới mức kỷ lục về số lượng vào mùa xuân năm nay. Thế nhưng nhiều loài chim biển ở những nơi này không hề thay đổi hành vi để thích nghi với điều kiện mới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hà Lan, nơi 90% số lượng cá thể ở một số loài chim đã biến mất trong 2 thập kỷ qua.
Nếu nhiệt độ khí hậu tiếp tục tăng, những vùng đất ẩm ướt ở bờ biển Địa Trung Hải – nơi sinh sống của đa số loài chim di cư trên hành tinh – sẽ trở nên khô hạn vào năm 2080. Ngoài ra, sự tăng lên của nhiệt độ cũng sẽ hủy diệt nhiều điểm đến khác của chim di cư, khiến chúng có ít lựa chọn hơn.
“Những loài chim sống ở đảo và núi sẽ chẳng có chỗ nào để tránh rét. Chẳng hạn, loài đại bàng sống trong các khu bảo tồn ở Tây Ban Nha sẽ không còn nơi sinh sống trong vài năm nữa”, báo cáo viết.